Trích phim "hot" chiếu rạp, đề thi chọn học sinh giỏi Văn lớp 12 ở một tỉnh gây tranh cãi

Tào Nga Thứ hai, ngày 13/02/2023 10:22 AM (GMT+7)
Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12 có đưa ra dữ liệu về một bộ phim đang "hot" chiếu ở rạp và lập tức thu hút sự chú ý của giáo viên và học sinh.
Bình luận 0

Phim chiếu rạp vào đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12

Ngày 11/2 vừa qua, Sở GDĐT tỉnh Kon Tum đã tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 năm học 2022-2023. Theo đó, học sinh sẽ thi trong thời gian 180 phút và làm bài với 2 câu hỏi. Trong đó câu 1 (8 điểm) trích dẫn nội dung từ bộ phim hot đang chiếu trên rạp là "Nhà bà Nữ". Câu hỏi như sau:

Trong bộ phim "Nhà bà Nữ", vì không muốn theo học ngành mẹ chọn lựa và muốn tự lập, nhân vật Ngọc Nhi đã thẳng thắng nói lên mong ước của mình dù cô biết mẹ vô cùng đau đớn: "Con thà thất bại trong ước mơ của con, còn hơn thành công trong ước mơ của mẹ".

Là người trẻ đang trong giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp tương lai, anh/chị suy nghĩ thế nào về ý kiến trên?

Đề thi chọn học sinh giỏi Văn lớp 12 ở một tỉnh gây tranh cãi - Ảnh 1.

Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, câu hỏi này gây ra tranh cãi. Có người cho rằng đề thi hay vì đúng với thực trạng hiện nay là cha mẹ đùm bọc, yêu con nhưng lại áp đặt suy nghĩ lên con. Các bạn trẻ đang phải sống và thực hiện ước mơ của bố mẹ. 

Ở chiều ngược lại, có người bày tỏ: "Tại sao không phải là thành công của con cũng là ước mơ của mẹ. Vậy nên con sẽ thành công trong ước mơ của con để biến ước mơ của mẹ thành hiện thực. Thay vì phủ nhận mọi mong muốn của cha mẹ thì tại sao không thuyết phục để cha mẹ thấy quyết định của mình là đúng đắn. 

Tôi chưa xem phim này, nhưng câu nói này đang ảnh hưởng đến một vài học sinh của tôi, trong đó có con em rằng phải để con tự quyết định chứ không nghe cha mẹ nữa, bởi "Con thà....". Có những người cha, người mẹ vất vả cả đời để hy sinh, vun đắp cho con với ước mơ con sẽ là người này người kia nhưng nếu nghe con thốt lên câu này chắc sẽ buồn lắm".

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Thạc sĩ Phương pháp giảng dạy Ngữ văn Diệp Thảo nhận xét: "Khi đọc đề tôi rất thắc mắc không biết tác giả của đề thi đã xem phim "Nhà bà Nữ" chưa? Bởi đưa câu này vào đề kiểm tra với quy mô một lớp học đã là phiến diện, đây lại là đề học sinh giỏi toàn tỉnh và chắc chắn sẽ thành một đề tham khảo cho học sinh trong cả nước. 

Nếu chỉ xét riêng hoàn cảnh mệnh đề là "vì nhân vật Ngọc Nhi không muốn theo ngành học mẹ chọn lựa, muốn tự lập đã thẳng thắn nói lên mong ước của mình dù cô biết mẹ vô cùng đau đớn" thì đã khiến cho người đọc đề bị hoang mang, khó hiểu. Bởi hơn ai hết, cha mẹ là người sinh thành, công lao của cha mẹ là vô bờ bến, Ngọc Nhi biết mẹ đau đớn vẫn làm đó là sự ích kỉ, chỉ là cảm xúc nhất thời của nhân vật. 

Hơn nữa Ngọc Nhi đã làm được gì mà để theo đuổi ước mơ? Câu nói: "Con thà thất bại trong ước mơ của con, còn hơn thành công trong ước mơ của mẹ" trong hoàn cảnh của bộ phim theo tôi hoàn toàn do sự bồng bột của tuổi trẻ. Nếu có một Ngọc Nhi ngoài đời cho cô lựa chọn lại câu nói ấy có thể không được nói ra. Bởi chính cô ấy khi bỏ nhà đi để theo đuổi ước mơ, tình yêu của mình cô đã thất bại thật sự và trả giá rất đắt. 

Cái giá là mất đi tình yêu, là mất đi đứa con, là sự đau khổ của mẹ, là một vết thương lòng quá lớn đối với cô gái tuổi đôi mươi. Một hoàn cảnh nhân vật gây tranh cãi như vậy liệu có hợp lý khi cho vào đề thi? Và liệu có phải 100% học sinh đã xem phim để hiểu được thông điệp từ tác phẩm?".

Theo cô Thảo, lựa chọn nghề nghiệp, hướng nghiệp là vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Bên cạnh việc bạn theo đuổi ước mơ thì bạn tham khảo ý kiến từ những người xung quanh là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là cha mẹ, thầy cô những người có vốn sống dày dặn. 

"Tôi thấy đề văn mang tính chất phiến diện một chiều, và với dạng đề này sẽ dễ gây nhầm lẫn hiểu lầm cho học sinh ảnh hưởng tiêu cực tới một bộ phận học sinh khi các em còn quá non nớt chưa định hướng tốt", cô Thảo cho hay.

Với câu 2 về điểm nhìn nghệ thuật và hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học. Cụ thể là hai tác phẩm quen thuộc trong sách giáo khoa lớp 12 là "Người lái đò Sông Đà" của Nguyễn Tuân và "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Theo cô Thảo, với câu này học sinh có thể dễ dàng viết và triển khai luận điểm. Với câu 2 có thể thấy đề rất an toàn, học sinh chỉ cần nắm vững lý luận văn học, nắm vững nội dung của hai tác phẩm là có thể phân tích tốt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem