Triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội: ĐBQH nêu đề xuất phát triển vùng sâu, vùng xa

Thanh Phong Thứ ba, ngày 09/11/2021 12:40 PM (GMT+7)
Theo ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), trong bối cảnh hiện tại, với đặc thù “khó khăn kép” về thiên tai – dịch bệnh, Chính phủ cần chú trọng kết nối hạ tầng, phát triển kinh tế ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bình luận 0

Sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế -xã hội; ngân sách Nhà nước; công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, tại phiên thảo luận này, nhiều ĐBQH nhấn mạnh công tác phát triển kinh tế tại các tỉnh vùng sâu, xa đang gặp nhiều khó khăn.

ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La): Các tỉnh Tây Bắc chưa thúc đẩy được liên kết vùng

Phát biểu trong phiên thảo luận sáng 9/11, ĐBQH Hoàng Thị Đôi đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2020-2021.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của vị ĐBQH, địa phương Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn trong kinh tế, hạ tầng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại do tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai, các địa phương này càng gặp nhiều khó khăn.

Triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội: ĐBQH nêu đề xuất phát triển vùng sâu, vùng xa - Ảnh 1.

ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La). (Ảnh: Văn phòng Quốc hội)

"Là tỉnh miền núi, Sơn La và các tỉnh Tây Bắc nói chung có kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ nên chưa thúc đẩy được liên kết vùng. Các địa phương nơi đây thường xuyên chịu sự tàn phá của thiên tai nên việc rút ngắn khoảng cách vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và miền xuôi là rất khó khăn", ĐBQH Hoàng Thị Đôi nhấn mạnh.

Đo đó, ĐBQH Hoàng Thị Đôi đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đã được Thủ tướng phê duyệt và tiến tới thực hiện cao tốc TP.Sơn La - Điện Biên. Từ đó tăng cường liên kết vùng, tạo ra nguồn phát triển động lực mới phía Tây Bắc đất nước.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Thị Đôi kiến nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo nghiên cứu mở rộng quy mô thủy điện Sơn La.

"Theo báo cáo của EVN, hiện tổng công suất năng lượng tái tạo được phê duyệt đã đạt gần 34.720 MW. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo có đặc tính bất định trong cấp phát nên cần có các nguồn dự phòng, có khả năng điều chỉnh công suất nhanh.

Hiện tại, các vị trí có thể xây dựng nhà máy thủy điện trên 100 MW đã khai thác hết, do đó việc mở rộng nhà máy thủy điện Sơn La (một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực) là cấp thiết, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia", Bà Đôi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị ĐBQH tỉnh Sơn La cũng kiến nghị cho phép địa phương sử dụng 100% nguồn cải cách tiền lương còn dư để phục vụ chống dịch Covid-19 trong trường hợp địa phương tiếp tục bùng phát dịch.

ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ): Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về kinh tế xã hội các vùng miền núi còn rất chậm

Theo ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ), chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là các nội dung chiến lược hướng đến phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền một cách bền vững.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của vị ĐBQH tỉnh Phú Thọ, công tác triển khai còn rất chậm. Cụ thể, đến giữa tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ mới quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội: ĐBQH nêu đề xuất phát triển vùng sâu, vùng xa - Ảnh 2.

ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ). (Ảnh: Văn phòng Quốc hội)

"Tại kỳ họp này, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022 16.000 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương đã được Quốc hội quyết định bố trí cho 3 chương trình mục tiêu. Như vậy, từ nay đến hết năm 2021 sẽ không tiến hành phân bổ và triển khai được các chương trình mục tiêu quốc gia này", ĐBQH Vũ Tuấn Anh nói.

Do đó, để đảm bảo mục tiêu đã đề ra, ông Tuấn Anh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện ngay các chương trình, sớm quyết định đầu tư, ban hành các quy tắc thống nhất triển khai chương trình.

Cùng với đó, Chính phủ cũng cần xác định rõ tiêu chí về các dân tộc còn khó khăn; nguyên tắc phân bổ ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương.

Ngoài ra, ĐBQH tỉnh Phú Thọ bày tỏ thống nhất với việc Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ phân bổ, chuyển nguồn 16.000 tỷ đồng từ năm 2021 sang năm 2022. Chính phủ chịu trách nhiệm cho việc phân bổ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia. Quốc hội và các cơ quan liên quan sẽ giám sát, kiểm tra sau.

ĐBQH Lê Văn Dũng (Quảng Nam): Công tác phòng chống dịch cần kịp thời, đồng bộ, tránh gây phiền hà, bức xúc cho người dân

Cũng trong phiên thảo luận sáng 9/11, ĐBQH Lê Văn Dũng bày tỏ sự đồng tình với 16 chỉ tiêu chủ yếu và 12 nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, thời gian qua, công tác phòng chống dịch kết hợp phát triển kinh tế còn nhiều bất cập. Các địa phương không có sự đồng bộ dẫn tới khó khăn trong đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa.

Triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội: ĐBQH nêu đề xuất phát triển vùng sâu, vùng xa - Ảnh 3.

ĐBQH Lê Văn Dũng (Quảng Nam). (Ảnh: Văn phòng Quốc hội)

"Đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Thứ hai, Chính phủ cần tập trung quyết liệt hơn nữa công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Các giải pháp phải kịp thời, đồng bộ, tránh mỗi địa phương làm một kiểu, dẫn đến lúng túng, bị động. Có thể lấy ví dụ điển hình như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch kiểu "mạnh ai nấy làm". Mỗi địa phương một app khai báo, không ai chấp nhận của ai gây bức xúc cho người dân", ĐBQH Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Góp ý thêm về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ông Dũng cho hay, hiện nay, nhiều tỉnh sau khi cân đối nguồn cải cách tiền lương vẫn còn dư khá lớn ngân sách nhưng không thể chi cho đầu tư phát triển, gây lãng phí nguồn lực.

Do đó, Đại biểu tỉnh Quảng Nam đề nghị hạ tỷ lệ điều tiết nguồn vượt thu từ 70% xuống 50% nhằm tạo điều kiện cho các địa phương tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem