Trời tối, mặc muỗi đốt đỏ cả mặt, dân ở đây vẫn rủ nhau vô rừng mò bắt cả bao tải loài ốc lạ

Thứ bảy, ngày 22/08/2020 07:06 AM (GMT+7)
Khi những cơn mưa ào ào đổ xuống, cây rừng bật những chồi non xanh biếc cũng là lúc người dân các xã Minh Quang, Phúc Sơn, Hùng Mỹ (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) lại gọi nhau lên rừng "săn" ốc đá. Mùa mưa, đàn ốc từ những kẽ đá mò ra ăn nấm, lá cây mục, rêu…Mùa rét về, bọn chúng “mất tích” vào đá núi...
Bình luận 0

Lên núi bắt ốc đá chuyên ăn cây thuốc

Những người chuyên đi “săn” ốc đá cho biết, loại ốc này thường chỉ xuất hiện vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 9, còn mùa đông ốc ẩn mình dưới đất, đá sinh sôi nảy nở nên rất khó phát hiện. 

Ốc đá thường kiếm ăn vào ban đêm, muốn bắt được ốc đá, người dân phải băng rừng già, núi đá, dùng đèn pin rọi bắt từng con. Ốc đá là món ăn quen thuộc của người dân miền sơn cước, giờ được nhiều người biết đến bởi vị thơm ngon đặc trưng của núi rừng không giống bất kỳ loài ốc nào. 

Mọi người bảo rằng, loại ốc này ăn các loại thảo dược, cây thuốc nên chúng có khả năng chữa bệnh, vì thế hiện nay ốc đá đã trở thành món đặc sản mà nhiều người săn lùng.

Trời tối, mặc muỗi đốt đỏ cả mặt, dân ở đây vẫn rủ nhau vô rừng mò bắt cả bao tải loài ốc lạ - Ảnh 1.

Chị La Thị Tá, thôn Phiêng Tạ, xã Phúc Sơn (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) bán lại ốc núi cho thương lái.

 Sau cơn mưa chiều, khu rừng Phúc Sơn xào xạc tiếng nước chảy từ những con suối nhỏ. Vất vả sau một ngày thu hoạch lạc, quần áo đẫm mồ hôi, vợ chồng chị La Thị Tá, anh Chúc Thanh Cường, thôn Phiêng Tạ lỉnh kỉnh dụng cụ chuẩn bị đi săn ốc. 

Theo kinh nghiệm nhiều năm săn ốc đá của anh chị thì hôm nay sẽ nhặt ốc mỏi tay. Vào rừng bắt ốc phải đeo ủng, mặc quần áo dài chống muỗi và vắt.

Gắn bó với rừng từ nhỏ, chị Tá tường tận từng khe suối, vách đá. Chị bảo, ốc đá thường ở những nơi sạch, có nhiều cây dược liệu, cây thuốc. Ốc đá chỉ bò ra ngoài nhiều khi trời vừa mưa xong, rừng còn ẩm ướt, còn những ngày nắng ốc thụt vào hốc đá, khe suối. 

Săn ốc đá rất vất vả, phải trèo đèo lội suối, nhưng không phải tốn nhiều tiền bạc mua sắm đồ nghề. Chỉ cần bộ quần áo đi rừng, bao tải, tay nải (túi khoác vai), thêm cái đèn pin là có thể hành nghề - Chị Tái chia sẻ. Người dân đi săn ốc bao giờ cũng đi theo tốp, thường là từ 3 - 4 người trở lên để giúp đỡ nhau lúc không may sảy chân trượt ngã, phòng khi thú rừng tấn công...

Chúng tôi theo chị Tá đi hướng về những dãy núi đá, vượt qua những mỏm đá tai mèo lên bãi đất bằng, ốc núi bò ra rất nhiều, có con bò trên mặt đất, có con bám vào lá, thân cây mục. 

Người bắt ốc núi phải nhẹ nhàng, khi có tiếng động, ốc nhả miệng rơi xuống lùm cây sẽ rất khó tìm. Vỏ ốc đá có màu nâu lẫn vào lá khô thì khó tìm lắm, vậy nên bắt chúng khi đang bò trên nhành cây là dễ nhất.

Sau hơn 2 giờ trèo núi, lội suối, có lúc vấp ngã sõng soài, muỗi cắn đỏ cả mặt, thành quả của chúng tôi là nửa bao tải ốc đá trĩu vai. Mặc dù những năm gần đây, giá thu mua ốc cao nhưng những người săn ốc vẫn giữ quy tắc chung, họ chỉ bắt những con ốc to, trưởng thành, không bắt ốc non.

Món đặc sản đãi khách

Do ngày càng có nhiều người đi bắt nên ốc đá ở đây ngày một khan hiếm, vì vậy giá cũng cao hơn mọi năm, hiện giá thu mua ốc đá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với năm trước. Một người có kinh nghiệm săn ốc đá có thể bắt được trên dưới 10 kg mỗi đêm thu được từ 400.000 -500.000 đồng. 

Chị Tá bảo, thường thì gia đình chọn những con ốc nhỏ hơn để lại ăn, còn những con ngon, béo thì mang bán. Nhưng hôm nay, chị phá lệ, chị chọn những con to béo tròn để chế biến mời khách. Chị Tá giải thích, ốc đá khác ốc đồng ở chỗ bắt về có thể chế biến món ăn ngay mà không cần phải ngâm nước lâu vì ốc đá không ăn bùn đất bẩn.

Trước khi chế biến rửa sạch lớp bùn đất bám bên ngoài vỏ ốc đá, ngâm ốc đá trong chậu nước sạch cho chút giấm chua và vài quả ớt để ốc nhả mùn cây là chế biến được.

Trời tối, mặc muỗi đốt đỏ cả mặt, dân ở đây vẫn rủ nhau vô rừng mò bắt cả bao tải loài ốc lạ - Ảnh 3.

Món ốc đá hấp bia hấp dẫn ở huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.

Hôm nay, chị Tá làm món ốc đá hấp bia và ốc đá xào xả ớt để chiêu đãi khách. Một tiếng sau, món ăn ốc đá đặc sản dọn ra thật ngon. Cả nhóm ngồi quây quần thưởng thức thành quả của buổi đi săn ốc đá. Món ốc đá đặc sản béo ngậy, giòn giòn, có mùi thơm của các loại nấm, thảo dược ngấm vào rượu men lá nồng nàn. 

Hương vị ốc đá nức tiếng khắp vùng, nức lòng thực khách. Anh Vũ Phong Trình đến từ Hà Nội chia sẻ, anh về Phúc Sơn thật thích thú với món ốc đá xào, anh chưa được ăn món nào ngon như vậy. 

Một chuyến du lịch trải nghiệm thật bổ ích, về đây anh được hòa vào rừng già bản Biến, hít hà không khí trong lành đầy vào lồng ngực để mang về Hà Nội...  

Những món ăn độc đáo đầy bản sắc là cái riêng có của du lịch miền rừng. Đây là cơ hội mở ra cho các hộ làm du lịch homestay. 

Ông Chẩu Văn Học, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) cho biết, xã Phúc Sơn hiện có 3 cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ homestay ở thôn Biến. Thôn Biến có rất nhiều hang động đẹp, hoang sơ như hang Thẳm Nặm, hang Chợ Khỉ, Thẳm Vài…với nhiều khối nhũ đá muôn sắc, óng ánh màu cẩm thạch, hẳn sẽ say lòng du khách. 

Đi khám phá hang động và bắt ốc đá về chế biến tại cơ sở homestay thì quả là thú vị. Do vậy, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang đã quy hoạch tổng thể, chi tiết phát triển du lịch tại thôn Biến, quy hoạch bố trí dân cư, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Rồi đây ốc đá sẽ được bảo tồn, phát triển, trở thành hàng hóa, mang lại thu nhập cao cho người dân.


Cao Huy (Báo Tuyên Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem