dd/mm/yyyy

Trồng cây ăn quả trên đất dốc ở Sơn La: Những số liệu biết nói

Đó là kết luận của ông Hoàng Văn Chất – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp năm 2016 – 2018.

Cây ăn quả tác động trực tiếp đến 37% dân số Sơn La

Phát biểu kết luận tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả và Hợp tác xã nông nghiệp năm 2016 – 2018 trên địa bàn tỉnh Sơn La, ông Hoàng Văn Chất – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La, cho biết: Năm 2018, diện tích cây ăn quả của Sơn La là 58.824 ha, tăng 149,2% so với năm 2015. Đây là con số tăng rất cao, một năm trồng mới tới 13.000 ha cây ăn quả.

 Ông Hoàng Văn Chất - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La phát biểu kết luận tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả.

“Trước đây tỉnh có hỗ trợ một số mô hình trồng cây ăn quả nhưng từ năm 2018, tỉnh không còn hỗ trợ phát triển cây ăn quả nữa. Thế nhưng diện tích cây ăn quả đến hết quý 1 năm 2019 đã tăng 59.385 ha, như vậy trong quý 1 đã trồng mới được 600 ha. Hiện nay có khoảng 84.030 hộ gia đình với 445.384 nhân khẩu (chiếm khoảng 37% dân số toàn tỉnh) đang trồng, kinh doanh cây ăn quả. Tác động của cây ăn quả thuận hay không thuận nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến 37% dân số, đây không còn là một vấn đề nhỏ nữa” – ông Chất đặt vấn đề.

Theo ông Chất, sản lượng quả các loại năm 2018 là 218.000 tấn, tăng 115,2% so với năm 2015. Trong đó, số liệu rất đáng quan tâm là diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP, GAP năm 2018 có 41 đơn vị, tăng tới 485,7% so với năm 2015; với diện 549 ha, tăng tới 335,7% so với năm 2015. Có 8 ha Chanh leo đạt tiêu chuẩn nông nghiệp tốt toàn cầu. Như vậy, tỉnh đã kiên định phát triển nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, cũng có diện tích mở rộng để thực hiện tiêu chuẩn nông nghiệp tốt toàn cầu. 

Hàng trăm ha cây ăn quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP,GAP. 

Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 17 sản phẩm nông sản, thực phẩm có thương hiệu, năm 2019 tiếp tục xây dựng 7 sản phẩm thương hiệu tiếp theo. Năm 2018, Sơn La đã xuất khẩu được 16 loại nông sản, thực phẩm với 17.511 tấn quả, tăng 14,7 lần so với năm 2017. Trong đó xuất khẩu chính ngạch tăng 15,9 lần so với năm 2017. Giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2018, đạt gần 115 triệu đô la, trong đó nông sản là 112,6 triệu đô la, chiếm 97% giá trị xuất khẩu.

Vị lãnh đạo Tỉnh ủy Sơn la cho hay: Năm 2017, chúng ta nêu ra vấn đề là cần xuất khẩu chính ngạch, nghe ra như còn ngỡ ngàng. Năm ngoái vào thời gian đó, tỉnh đã tính đến chuyện Trung Quốc sẽ siết chặt chất lượng sản phẩm cho nên phải đẩy luôn xuất khẩu chính ngạch để có một bước đi cho năm 2018. Nếu như năm 2017 Sơn La không chuẩn bị cho xuất khẩu chính ngạch mà năm 2018 Trung Quốc siết lại chất lượng chúng ta sẽ rất lúng túng.

 Sản phẩm Xoài tượng da xanh Sơn La đã có mặt tại thị trường nhiều nước trên thế giới.

Những số liệu biết nói

Hết năm 2018, tỉnh Sơn La có 451 HTX nông nghiệp, chiếm 81,3 % tổng số HTX, tăng 390,2% so với số HTX nông nghiệp năm 2015. Trong đó có 181 HTX cây ăn quả, chiếm 40,1% số HTX nông nghiệp, tăng tới 596,2% so với số HTX trồng cây ăn quả năm 2015.

Có 40 HTX cây ăn quả ở các xã thuộc khu vực III, tăng 900% so với năm 2015. Có 41 HTX cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tăng tới 720% so với số HTX được cấp giấy chứng nhận chất lượng VietGAP năm 2015. Số thành viên HTX 5.804 người, tăng 70% so với năm 2015. Trong đó thành viên của HTX trồng cây ăn quả 2.384 người, tăng 532,4% so với năm 2015.

 Ông Nguyễn Ngọc Dũng –  Giám đốc HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn - Sơn La) cho biết: Năm 2018, HTX đã xuất khẩu được trên 100 tấn xoài sang Úc và Trung Quốc.

“Tính đến thời điểm ngày 31.3.2019, có 1.864 cán bộ quản lý HTX nông nghiệp. Trong đó cán bộ là người dân tộc thiểu số 858 người, tăng 436,3% so với năm 2015; số cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng là 360 người, tăng 421,7% so với năm 2015; cán bộ HTX là đảng viên có 450 đồng chí, tăng 389,1% so với năm 2015. Cán bộ quản lý HTX cây ăn quả là 772 người, tăng 819% so với năm 2015. Trong đó cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng 148 người, tăng 886,7% so với năm 2015; cán bộ là người dân tộc thiểu số 258 người, tăng 821,3% so với năm 2015; cán bộ là đảng viên 294 người, tăng 790,9% so với năm 2015. Đây là những số liệu biết nói, rất đáng quan tâm để giải quyết những vấn đề xã hội còn bức xúc” – ông Chất nhấn mạnh.

Tỉnh Sơn La hình thành nhiều vùng cây ăn quả tập trung với diện tích hàng ngàn ha.

Cũng theo ông Chất, hết năm 2018, vốn sản xuất kinh doanh của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 450 tỷ đồng, tăng 398,1% so với năm 2015. Trong đó vốn sản xuất kinh doanh của các HTX cây ăn quả là 276 tỷ đồng, tăng tới 776,2% so với năm 2015. Như vậy, bên cạnh phát triển số lượng, tỉnh đặc biệt quan tâm đến chất lượng của các HTX.

“Năm 2018, doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp đạt 1.700 triệu đồng/năm, tăng 69% so với năm 2015. Trong đó doanh thu bình quân của HTX cây ăn quả đạt 2,5 tỷ đồng/năm, tăng 66,7% so với năm 2015. Tuy các HTX còn rất non trẻ, phần lớn mới thành lập được từ 1 – 3 năm nhưng đã có một con số tăng đáng kể về số vốn và doanh thu. Lợi nhuận bình quân của các HTX nông nghiệp đạt 133 triệu đồng/năm, tăng 47,8% so với năm 2015. Trong đó lợi nhuận bình quân của HTX cây ăn quả là 250 triệu đồng/năm, tăng 66,7% so với năm 2015. Như vậy, lợi nhuận bình quân tuy số lượng còn nhỏ nhưng đó thật sự rất quý, rất đáng trân trọng” – vị lãnh đạo Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nói.

Diện tích cây ăn quả cho thu nhập từ hàng trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Chất cho biết thêm: Tỉnh Sơn La xác định phát triển cây ăn quả là giống cây bản địa. Là giống cũ nhưng cái gốc của những giống này phát triển rất tốt và rất phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu của Sơn La. Nhưng nếu để gốc cũ thì hiệu quả sẽ rất thấp, nhưng những những năm qua, Sơn La đã tranh thủ được công nghệ ghép mắt cây ăn quả để làm bật lên năng suất và chất lượng.

 Từ trồng Na Hoàng hậu, nhiều hộ dân ở huyện Mai Sơn có thu nhập từ hàng trăm đến hàng tỷ đồng/năm.

Từ năm 2017 – 2018, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ mỗi hộ 200 nghìn đồng để ghép cải tạo vườn cây ăn quả. Sau 2 năm cả hệ thống chính trị vào cuộc, Sơn La đã hỗ trợ được 78.928 hộ gia đình với 4,1 triệu cây.

“Chúng ta chỉ hỗ trợ ghép cho mỗi hộ vài chục cành. Từ hiệu quả thực tế của từng hộ gia đình, các hộ chủ động đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả giống mới. Sơn La là một tỉnh khó khăn nên cách đi phải như vậy” – ông Chất chia sẻ. 

 Đến nay, Sơn La có 17 sản phẩm nông sản, thực phẩm có thương hiệu. Năm 2019, Sơn La tiếp tục xây dựng 7 thương hiệu tiếp theo.

Trong 3 năm (2016 – 2018), tỉnh Sơn La đã trồng mới 35.222 ha cây ăn quả, bằng 5,64% diện tích rừng hiện có. Từ đó đã góp phần làm tăng độ che phủ rừng, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Đặc biệt đã đưa được cây ăn quả phủ xanh đất trống trước đây là đồi, núi trồng ngô, lúa, sắn…

Ông Chất cho biết: Năm 2018, nhiều diện tích cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: Cây Chanh leo tím và Bơ ghép 600 triệu đồng/ha; Xoài ghép 500 triệu đồng/ha; Nhãn ghép 360 triệu đồng/ha; Na Hoàng hậu ghép 1,4 tỷ đồng/ha, có những quả na nặng tới 1,2 đến 1,5 cân.

 Từ chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, nhiều xã của Sơn La đã cán đích NTM.

Theo ông Chất, sau 3 năm thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Công tác xây dựng Đảng được củng cố; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) thể hiện mối quan hệ của cấp ủy, chính quyền với nhân dân, năm 2018 tỉnh Sơn La xếp thứ 34 trong 63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2017.

Nhiều chỉ tiêu vượt so với Nghị quyết đại hội đến năm 2020, cụ thể như: Xây dựng Nông thôn mới (NTM), ngày 18.5.2015, xã Chiềng Xôm (TP Sơn La) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Sơn La thì đến hết năm 2018, Sơn La đã có 26 xã đạt chuẩn NTM, vượt 3 xã so với Nghị quyết đại hội đến năm 2020 và huyện Phù Yên, huyện Quỳnh Nhai ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước. Hết năm 2018, Sơn La có thêm 23 xã có đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã được cứng hóa. Xuất khẩu nông sản, thực phẩm vượt 67,6 triệu đô la so với Nghị quyết đại hội đến năm 2020. Thu ngân sách trên địa bàn đã đạt con số 5.030 tỷ đồng, tăng 12,7% so với 2015.

 

Tuệ Linh