dd/mm/yyyy

Trồng cây dược liệu quý, trai Mông thu cả trăm triệu đồng/năm

Đưa cây dược liệu quý vào trồng trên đất ruộng 1 vụ, một thanh niên thế hệ 9X dân tộc Mông, ở Lai Châu có thu nhập bất ngờ.

 Khởi nghiệp bằng cây dược liệu

Đó là anh Ma A Phử (SN 1990) ở bản Sáy San (xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Cây dược liệu quý mà anh thanh niên người Mông này đưa về trồng trên đất ruộng 1 vụ là đương quy. Đến bản Sáy San 3 hỏi thăm nhà anh Phử, chúng tôi được người dân nơi đây nhiệt tình chỉ dẫn. Theo lời chỉ dẫn đó, chúng tôi men theo lối mòn tìm đến nhà anh Phử. Nhà anh Phử nằm sát sườn đồi, tách biệt hẳn với các hộ dân trong bản. Phía trước nhà là khu ruộng trồng đương quy khá bằng phẳng.

Khi chúng tôi đến, anh Phử đang cặm cụi nhặt cỏ bên những luống đương quy tươi tốt. Gác lại công việc đang dở dang, anh Phử mời chúng tôi vào nhà uống nước. Rót chén trà mời khách, anh Phử chậm rãi kể: "Năm 2017, vợ chồng tôi ra ở riêng và được bố mẹ chia cho 5000m2 đất trồng 1 vụ lúa. Nhận thấy, cứ trồng lúa như thế này thì không biết khi nào mới khấm khá nên được, tôi mới bàn với vợ đưa cây trồng mới vào thay thế. Thấy nhiều hộ dân ở vùng cao Sìn Hồ (Lai Châu - PV) có thu nhập khá từ trồng đương quy, tôi quyết định mua giống về trồng thử nghiệm trên mảnh ruộng của gia đình".

Trồng cây dược liệu quý, 9X dân tộc Mông thu cả trăm triệu đồng/năm  - Ảnh 1.

Anh Phử đang chăm sóc vườn đương của mình.(Ảnh: Thanh Ngân)

Năm 2018 cũng là năm đầu tiên gia đình anh Phử "thử sức" với cây đương quy. Anh Phử cũng là người đầu tiên ở bản Sáy San 3 nói riêng, xã Nùng Nàng nói chung mạnh dạn đưa cây đương quy vào trồng thay thế cây lúa. Vì là năm đầu tiên trồng đương quy, nên anh Phử không dám "mạo hiểm" làm hết diện tích, mà chỉ trồng khoảng 2000m2.

"Do chưa có kinh nghiệm với loại cây dược liệu quý này, nên vợ chồng tôi cũng gặp không ít khó khăn ban đầu. Mầy mò học hỏi qua sách báo, internet, dần dần tôi cũng nắm được kĩ thuật trồng và chăm sóc đương quy. Nhìn những luống đương phát triển ngày càng xanh tốt, vợ chồng tôi khấp khởi mừng thầm. Vụ đó, gia đình tôi thu được chừng 1 tấn củ đương quy tươi. Đem củ đương quy tươi bán ra thị trường, gia đình tôi thu hơn 60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa. Không còn nghi ngờ về sự phù hợp cũng như giá trị kinh tế mà cây đương quy mang lại, tôi quyết định nhân giống trồng trên toàn bộ diện tích đất ruộng của gia đình" - 9X dân tộc Mông chia sẻ.

Trồng cây dược liệu quý, 9X dân tộc Mông thu cả trăm triệu đồng/năm  - Ảnh 2.

Khu vườn trồng cây đương quy của anh Phử.(Ảnh: Thanh Ngân)

Qua một năm "thử sức" với cây đường quy, anh Phử không chỉ nắm bắt được kĩ thuật trồng chăm sóc, mà còn tự ươm giống cây dược liệu quý này. Theo anh Phử, trong quá trình ươm giống đương quy, cần phải thường xuyên tưới nước, để tạo độ ẩm cho hạt nhanh nảy mầm. Khi ươm giống cũng cần phải làm đất tơi xốp, sau đó trộn với phân chuồng ủ hoai mục, rồi lên luống, gieo hạt. Tầm 15 ngày sau khi gieo, hạt giống sẽ nảy mầm. Tính từ thời điểm gieo hạt đến khi trồng khoảng 3 tháng.

Bí quyết làm giàu từ cây dược liệu

Chia sẻ với phóng viên về kĩ thuật trồng và chăm sóc cây đương quy, anh Phử cho hay: "Trồng đương quy khá kì công, nhất là thời điểm mới xuống giống. Thời kỳ này, cây đương quy còn nhỏ nên cần phải tưới nước và làm cỏ thường xuyên. Tôi sử dụng phân chuồng ủ hoai mục để bón lót cho cây đương quy. Sau khi cày bừa đất tơi xốp, tôi cho phân chuồng ủ hoai mục vào trộn lẫn, sau đó đánh luống.

Trồng cây dược liệu quý, 9X dân tộc Mông thu cả trăm triệu đồng/năm  - Ảnh 3.

Cây đương quy đang đến độ cho thu hoạch.(Ảnh: Thanh Ngân)

Trước khi đưa cây giống vào trồng, tôi phủ nilon kín mặt luống, sau đó khoét hốc nhỏ để tra cây giống vào. Mặc dù thời gian từ khi trồng đến thu hoạch cây sâm đương quy dài hơn so với lúa (tầm 11 tháng mới cho thu hoạch) nhưng đối với cây đương quy, trước khi trồng chỉ cần xử lý đất kỹ, bón phân đầy đủ, tưới nước và nhổ cỏ theo định kỳ thì sẽ cho năng suất cao. Đặc biệt cây không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rất an toàn cho sản phẩm cũng như an toàn cho môi trường và sức khỏe con người.

Theo anh Phử, thời điểm trồng cây đương quy phù hợp nhất là từ tháng 10-11. Khi cây đương quy ra từ 4-5 lá, cần tiến hành bón thúc bằng phân NPK. Đến thời điểm cây đương quy chuẩn bị cho thu hoạch, anh Phử bón thêm lần nữa bằng phân NPK. Đầu năm 2022, anh Phử đã lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho ruộng đương quy, góp phần giảm bớt công chăm sóc và đảm bảo duy trì độ ẩm, giúp cây đương quy sinh trưởng, phát triển tốt.


Trồng cây dược liệu quý, 9X dân tộc Mông thu cả trăm triệu đồng/năm  - Ảnh 4.

Nhờ chăm sóc đúng kĩ thuật nên cây đương quy của anh Phử phát triển rất tốt.(Ảnh: Thanh Ngân)

Nhờ chăm sóc đúng yêu cầu kĩ thuật, diện tích trồng đương quy của gia đình anh Phử luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi vụ, gia đình anh Phử thu hoạch được hơn 4 tấn củ đương quy tươi. Bán ra thị trường với giá trung bình 50.000/kg, gia đình anh Phử thu hơn 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình anh Phử lãi gần150 triệu đồng.

Thanh Ngân-Phạm Hoài