dd/mm/yyyy

Trồng lúa thông minh thu lãi 65 triệu đồng/ha

Mô hình canh tác lúa thông minh do Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty cổ phần Bình Điền và 3 đơn vị đồng hành là Sài Gòn Kim Hồng, Bayer Việt Nam, Vinarice thực hiện, giúp nông dân lãi 65 triệu đồng/ha.

Giảm chi phí đầu tư trồng lúa nhưng đạt năng suất cao

Mới đây, tại tỉnh Hậu Giang đã diễn ra hội thảo tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2023-2024, với sự có mặt của đông đảo các "nhà" đến từ Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các HTX, nông dân trong vùng ĐBSCL.

Trước đó, ngày 12/12/2023, Bộ NNPTNT đã phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Nhân sự kiện này, Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty cổ phần Bình Điền và 3 đơn vị đồng hành là Sài Gòn Kim Hồng, Bayer Việt Nam, Vinarice thực hiện mô hình trình diễn quy trình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2023-2024.

Trồng lúa thông minh thu lãi 65 triệu đồng/ha- Ảnh 1.

Thu hoạch lúa ở mô hình canh tác lúa thông minh tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Đối với Đề án 1 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, Hậu Giang xây dựng kế hoạch đến năm 2025 diện tích thực hiện đạt 28.000ha. Đến năm 2030, diện tích đạt 46.000ha. Để đạt được kết quả như mong đợi, Hậu Giang ưu tiên về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và khuyến nông, bảo vệ quỹ đất chuyên trồng lúa ổn định, lâu dài, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất theo hướng gia tăng giá trị, giảm phát thải khí nhà kính.

Mô hình thực hiện tại 2 xã Vị Trung và Vị Bình (huyện Vị Thuỷ) trên diện tích khoảng 10ha. Theo đó, nông dân được tập huấn, đào tạo về quy trình canh tác lúa thông minh sao cho giảm giống gieo sạ, giảm phân bón (nhất là phân đạm), giảm thuốc bảo vệ thực vật và lượng nước tưới. Đặc biệt là canh tác thân thiện với môi trường, qua đó giúp cải thiện môi trường đất, tăng chất lượng lúa gạo và giảm phát thải khí nhà kính.

Trong quá trình thực hiện mô hình, nông dân được áp dụng đồng bộ các khâu cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc đến lúc thu hoạch và xử lý rơm rạ. Qua theo dõi, đo đếm các chỉ tiêu, mô hình đạt được kết quả rất tốt. 

Cụ thể, tại xã Vị Trung, người dân gieo sạ 60kg/kg lúa giống RVT cấp xác nhận, đạt năng suất 9,9 tấn, giúp nông dân có lợi nhuận gần 65 triệu đồng. Tại xã Vị Bình, người dân gieo sạ 60kg/kg lúa giống RVT cấp xác nhận, đạt năng suất 8,9 tấn, nông dân đạt lợi nhuận gần 52 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Út Em (ấp 12, xã Vị Trung) cho biết, tham gia mô hình, ông giảm chi phí sản xuất từ 300.000-400.000 đồng/công, tuy nhiên năng suất vẫn đạt rất cao).

"Các mô hình không so sánh với đối chứng, tuy nhiên nếu so với bình quân trong canh tác lúa tại địa phương đã giảm được đáng kể lượng giống, lượng phân bón, số lần phun thuốc. Đáng nói mô hình vẫn đạt năng suất cao từ đó mang lại lợi nhuận rất tốt cho bà con nông dân trong các mô hình" - ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang nói.

Không tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Theo ông Ngô Minh Long, mô hình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2023-2024 cũng có đánh giá thêm về chất lượng gạo và dư lượng qua thu mẫu. Kết quả cho thấy, chất lượng gạo được nâng lên, tỷ lệ thu hồi gạo khi xay xát tăng lên, đặc biệt là không tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, cũng như quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt.

GS-TS Nguyễn Bảo Vệ - Trưởng Ban cố vấn kỹ thuật chương trình canh tác lúa thông minh cho biết, mô hình phù hợp với từng vùng sinh thái, từng mùa vụ ở ĐBSCL. Các giải pháp kỹ thuật mới không ngừng cập nhật để nâng cao hiệu quả trong quá trình thực hiện. "Về môi trường, canh tác lúa thông minh sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, xử lý tuần hoàn các phụ phẩm rơm, rạ để tạo phân bón, nhờ đó phát thải thấp khí nhà kính" - ông Vệ nói.

Ông Vệ tin rằng, mô hình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2023-2024 sẽ là một quy trình hay nói đơn giản hơn là một cách làm lúa phù hợp và hiệu quả cho bà con nông dân trong vùng. Đồng thời, cũng có thể là một trong những quy trình rất phù hợp để góp phần vào triển khai xây dựng thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL do Bộ NNPTNT triển khai thực hiện.

Ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, các giải pháp kỹ thuật trong mô hình canh tác lúa thông minh được áp dụng đồng bộ trên đồng ruộng, đã giúp giảm phát thải nhưng lại tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng thu nhập cho nhà nông. 

Do vậy ông Hoàng Văn Hồng cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tổ chức tốt hệ thống khuyến nông cộng đồng khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Đây cũng là nhiệm vụ mà Bộ NNPTNT giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện.

Huỳnh Xây