Trồng nấm rơm giúp người dân Khmer ổn định kinh tế
Uỷ ban nhân dân xã Ngọc Chúc cũng có kế hoạch đưa nấm rơm trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Chính phủ.
Ông Danh Đầy, Tổ trưởng Tổ trồng nấm rơm ấp Ngọc Bình cho biết, người dân Khmer ở xã Ngọc Chúc có nghề trồng nấm rơm cách đây khoảng gần hai mươi năm nay. Lúc bấy giờ, sau vụ thu hoạch lúa, rơm khô bỏ lại rất nhiều. Người dân mới tận dụng rơm để làm nấm sau khi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng nấm rơm ở vùng lân cận thuộc tỉnh Hậu Giang.
Thời điểm đó, việc đập lúa còn bằng phương thức thủ công nên rơm có độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sinh trưởng của nấm, sản lượng cũng đạt hiệu quả cao. Sau này, nghề trồng nấm ngày càng nở rộ trên vùng đất Ngọc Chúc, nhất là địa bàn các ấp Ngọc Bình, Cái Đuốc Lớn, Cái Đuốc Nhỏ.
Theo anh Danh Tiền, ấp Cái Đuốc Nhỏ, xã Ngọc Chúc, nhiều năm nay, do quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp sử dụng máy gặt đập liên hợp, rơm để làm nấm người dân phải mua với giá hiện tại 25.000 đồng/bó. Mỗi một vụ trồng nấm với khoảng 300 cuộn rơm cần chi phí khoảng 750.000 đồng.
Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng nấm rơm, anh Tiền chia sẻ: Rơm sau khi mua về được tưới nước, rồi ủ 7 ngày để tạo độ ẩm, trước khi chặt cho tơi ra rồi tiếp tục tưới và ủ lại trong 7 ngày một lần nữa. Sau đó, rơm được đảo đều, rải meo vào và làm thành cuộn, tạo môi trường cho nấm rơm phát triển. Tiếp tục ủ rơm sau 10 ngày là bắt đầu thu hoạch được.
Như vậy, tính từ ngày bắt đầu đến khi thu hoạch được là khoảng 24 ngày, thời gian thu hoạch cần khoảng 10 ngày nữa. Ông Danh Đầy cho biết, bình quân một vụ nấm dài khoảng 34 - 35 ngày, nếu thời tiết ổn định, người dân tính toán thời gian, kế hoạch sản xuất hợp lý, bình quân có thể làm 10 vụ nấm rơm/năm.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Ngọc Chúc Võ Hoàng Anh cho biết, quá trình trồng nấm rơm từ lâu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương. Tháng 11/2020 vừa qua, chính quyền xã thông qua Hội Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh Kiên Giang đã vận động được tổ chức VNHELP (Hoa Kỳ) hỗ trợ vốn không hoàn lại cho 10 hộ dân Khmer trồng nấm rơm là 11,5 triệu đồng/hộ. Sau khi thu hoạch nấm rơm và có lợi nhuận, mỗi hộ đóng góp lại 2 triệu đồng để xã có nguồn vốn dùng vào mục đích hỗ trợ các hộ khác, giúp nhân rộng phát triển mô hình.
Các hộ được hỗ trợ vốn còn được tham gia lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm rơm của Trung tâm Khuyến nông huyện Giồng Riềng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo ông Danh Đầy, diện tích nền 250 m2 có thể trồng nấm rơm với 300 cuộn rơm, thu được bình quân 300 kg/vụ. Hiện giá nấm rơm bán cho thương lái là 50.000 đồng/kg, doanh thu đạt được 25 triệu đồng/vụ, trừ chi phí mua rơm, meo nấm, công chăm sóc, đảo rơm,… người dân có lãi khoảng hơn 10 triệu đồng/vụ.
Ông Đầy cho biết, nấm rơm Ngọc Chúc có thị trường khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, hiện nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm nấm rơm là rất cao, vấn đề là người dân cần có nhiều vốn, diện tích đất, nhân lực để có thể mở rộng quy mô sản xuất.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngọc Chúc Hàn Thanh Huyền, sau khi tổ chức VNHELP hỗ trợ vốn cho các hộ dân, Hội thường xuyên đến các hộ thăm hỏi tình hình, cập nhật những khó khăn trong quá trình sản xuất để báo cáo Hội Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh Kiên Giang.
Qua đó, kịp thời tìm ra hướng xử lý, giúp các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, đảm bảo năng suất trồng nấm rơm. Đến thời điểm hiện tại, sau hơn ba tháng được hỗ trợ nguồn vốn vay, 10 hộ trồng nấm rơm đều có nguồn thu nhập ổn định, giúp cải thiện đời sống, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Võ Hoàng Anh cho biết, hiện Uỷ ban nhân dân xã Ngọc Chúc rất quan tâm đến mô hình trồng nấm rơm và hướng tới thành lập Tổ hợp tác trồng nấm rơm để đăng ký sản phẩm nấm rơm theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động đơn vị tài trợ xem xét hỗ trợ, mở rộng thêm số hộ trồng nấm rơm, dự kiến năm 2021 tăng lên 15 hộ được hỗ trợ. Từ đây, làm nền tảng cho việc nhân rộng, phát triển mô hình trồng nấm rơm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.