Trồng rau má ở chân ruộng bấp bênh, nông dân ở nơi này của Bình Định bất ngờ lại khấm khá hẳn lên

Minh Khoa (Hội Nông dân tỉnh Bình Định) Thứ tư, ngày 09/03/2022 18:57 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), phát triển mô hình trồng rau má trên diện tích đất lúa kém hiệu quả, bước đầu mang lại nguồn thu nhập cao, mở ra hướng sản xuất mới cho người dân nơi đây.
Bình luận 0

Mô hình trồng rau má tại phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) được người dân thử nghiệm trồng dưới tán dừa cách đây hơn 10 năm. 

Tuy nhiên, đặc thù vùng đất dưới tán dừa là nơi thiếu ánh sáng, đất cằn cỗi nên năng suất cây rau má chưa cao. Nhận thấy điều này, từ năm 2018, người dân địa phương đã dần chuyển trồng cây rau má dưới tán dừa sang trồng trên đất lúa kém hiệu quả.

Trồng rau má ở chân ruộng bấp bênh, nông dân ở nơi này của Bình Định bất ngờ lại khấm khá hẳn lên - Ảnh 1.

Người dân phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đang thu hoạch rau má bán cho thương lái.

Theo nhiều hộ trồng rau má ở đây, rau má là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc với chi phí đầu tư thấp, thu hoạch được nhiều đợt trong năm, thích nghi với nhiều vùng đất, giá cả và đầu ra ổn định. 

Loài rau này ít sâu bệnh gây hại nên hạn chế được việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, cho ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. 

Cây rau má từ khi trồng cho đến khi thu hoạch vụ đầu tiên mất thời gian khoảng 30 ngày, sau đó cứ nửa tháng là thu hoạch một đợt. Các hộ dân thường chia đất ra nhiều ô để trồng gối vụ nên ngày nào cũng có rau má cung cấp ra thị trường.

Bà Lê Thị Yến, phường Tam Quan Nam bộc bạch: “Việc trồng cây rau má rất nhàn. Lúc mới xuống giống thì chú trọng đến việc làm cỏ ban đầu. 

Mỗi tháng thu hoạch một lần, năng suất hiệu quả cao hơn các loại rau khác. Sau hơn hai năm mới cải tạo lại đất và trồng lại rau má mới. Hướng đến, tôi dự kiến tận dụng đất lúa kém hiệu quả nhân ra thêm để có nguồn nhập kinh tế cao hơn”.

Hiện nay, phường Tam Quan Nam có 53 hộ tham gia trồng rau má với tổng diện tích hơn 8 ha, tập trung tại các khu vực: Cửu Lợi Nam, Tăng Long 1, Tăng Long 2… Mỗi ngày, các vườn rau má ở đây trung bình xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh gần 3 tấn rau má.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi diễn ra hết sức thành công khi năng suất cây rau má trồng ở ruộng lúa đạt khoảng 10 tấn/ha/tháng, cao gấp 2 lần so với trồng rau má dưới tán dừa. 

Với giá rau má trung bình khoảng 6.000 đồng/kg như hiện nay (lúc cao điểm 15.000 – 16.000 đồng/kg), 1 ha rau má cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/tháng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết: “Để giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây rau má, thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho người dân phương thức sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP.

Phường, Hội Nông dân phường cũng hành lập nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn, thành lập chi hội nghề nghiệp trồng và sản xuất rau má…

Những hoạt động này đã góp phần giúp người trồng rau ở Tam Quan Nam dần thay đổi nhận thức, phương thức trồng rau theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường”.

Thực tế cho thấy, cây rau má không những là loại cây phủ xanh những vùng đất cát cằn cỗi, ruộng lúa kém hiệu quả, mà còn mang lại thu nhập khá cho người dân xứ dừa Tam Quan Nam. 

Qua quá trình canh tác, loại rau này cũng đã từng bước thay đổi thói quen, tập quán sản xuất của người dân địa phương theo hướng an toàn, vệ sinh thực phẩm. 

Người trồng rau má phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) mong muốn, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ để nghề trồng rau má ở Tam Quan Nam có điều kiện để mở rộng quy mô, phát triển theo hướng bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem