Trồng thứ cây ra trái "ngang hông", nông dân Tiền Giang bẻ bán được mùa, được giá

Kim Lan-Quốc Nam (Cổng TTĐT Tiền Giang) Thứ sáu, ngày 21/10/2022 05:33 AM (GMT+7)
Được biết, vụ Thu đông năm nay, bà con trồng bắp huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) rất phấn khởi vì trúng mùa, được giá. Hiện tại, thương lái thu mua bắp tại ruộng có giá từ 5.200 - 5.500 đồng/trái.
Bình luận 0

Gò Công Tây là huyện có truyền thống trồng cây rau màu theo hướng hàng hóa chiếm diện tích khá lớn của tỉnh Tiền Giang, với trên 1.300 ha. Thời gian qua, diện tích trồng bắp trong toàn huyện đạt trên 300 ha, hiện nay, diện tích và quy mô trồng bắp toàn huyện đang được nông dân duy trì và mở rộng thêm.

Trồng thứ cây ra trái "ngang hông", nông dân Tiền Giang bẻ bán được mùa, được giá - Ảnh 1.

Mô hình trồng bắp đang được nông dân huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) duy trì và mở rộng thêm.

Mô hình trồng bắp được thực hiện tập trung nhiều tại các xã: Bình Nhì, Đồng Sơn, Đồng Thạnh, Long Vĩnh, Vĩnh Hựu, Yên Luông, Bình Tân. 

Mô hình trồng cây bắp dưới chân ruộng thành công đã góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân tham gia, giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Mô hình trồng bắp còn giải quyết việc làm, tăng khả năng khai thác sử dụng đất, tạo ra sản phẩm hàng hóa nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường tại địa phương.

Được biết, vụ Thu đông năm nay, bà con trồng bắp huyện Gò Công Tây rất phấn khởi vì trúng mùa, được giá. Hiện tại, thương lái thu mua bắp tại ruộng có giá từ 5.200 - 5.500 đồng/trái. 

Với giá trái bắp như thế, trên 1 công đất trồng bắp sau khi trừ các chi phí người trồng bắp có lãi từ 4 - 5 triệu đồng. 

Thông thường người trồng bắp thu hoạch vào lúc trời tối để đến khuya thương lái đến thu mua và vận chuyển đi các nơi tiêu thụ đảm bảo trái bắp còn tươi và giữ được độ ngọt.

Đặc biệt, trong thời gian qua, mô hình trồng bắp gắn liền với tiêu thụ sản phẩm đã làm thay đổi nhận thức của nông dân trong việc tiếp cận cách làm mới thay thế cách làm cũ truyền thống.

Mô hình trồng bắp còn giúp nông dân hiểu rõ hơn ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Người trồng bắp được thương lái bao tiêu sản phẩm và cung cấp hạt giống, hướng dẫn quy trình canh tác đảm bảo giảm thuốc trừ sâu, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản làm ra. 

Từ đó, tạo động lực xây dựng các vùng tập trung, an toàn, mang tính hàng hóa hướng tới xây dựng Cánh đồng lớn trong sản xuất bắp gắn với tiêu thụ sản phẩm, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ổn định sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống kinh tế cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem