Trump chưa áp thuế 300 tỷ USD hàng hóa, kinh tế Trung Quốc đã lao đao
Sản lượng công nghiệp Trung Quốc tháng 7 tăng dưới mức kỳ vọng của Bloomberg
Sản lượng công nghiệp Trung Quốc tháng 7 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán lẻ cũng chứng kiến mức tăng trưởng 7,6% trong khi đầu tư tài sản cố định giảm tốc 5,7% sau bảy tháng đầu năm, những con số kém xa kỳ vọng của các nhà phân tích. Mặc dù hiệu ứng mùa vụ có thể ảnh hưởng tới kết quả dữ liệu nhưng nó dường như phần nào phản ánh sự ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dữ liệu kinh tế yếu kém cùng với nhu cầu tín dụng suy giảm dường như đang phản ánh những khó khăn của Bắc Kinh trong việc giữ cho nền kinh tế khỏi lao đao. Việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ hoãn thuế với một số mặt hàng tiêu dùng Trung Quốc phần nào cũng vực dậy niềm tin thị trường. Nhưng một điều rõ ràng, chiến tranh thương mại vẫn sẽ tiếp diễn và tác động lớn tới kim ngạch xuất nhập khẩu trong dài hạn.
“Nền kinh tế đang đối mặt những những bất ổn lớn và trên đà giảm tốc” - Gene Ma, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Viện Tài chính Quốc tế Washington nhận định “Chúng ta cần thêm những chính sách nới lỏng tiền tệ. Hy vọng rằng những đợt giảm lãi suất tiếp theo có thể phần nào vực dậy nền kinh tế.”
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đang mức yếu nhất kể từ năm 2013, trong khi đó, đầu tư cơ sở hạ tầng - “át chủ bài” trong chiến lược kích thích tăng trưởng kinh tế của chính phủ nước này cũng suy yếu còn 3,8% vào tháng 7 vừa qua. Dù cuộc chiến thuế quan được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc dịch chuyển từ lĩnh vực sản xuất, lắp đặt sang dịch vụ và bán lẻ, dữ liệu kinh tế tháng 7 lại cho thấy sự tụt dốc trong các chỉ số quan trọng này.
Doanh số bán lẻ tiếp tục sụt giảm khi nhu cầu ô tô giảm mạnh. Tháng 7 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã nâng cao các quy chuẩn về khí thải tại những thành phố lớn, buộc các nhà sản xuất ô tô giảm giá 50% để bán tháo hàng tồn kho nhưng vẫn không kích thích được nhu cầu mua sắm của người dân do quy định khí thải khắt khe này.
Theo một báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ đã giảm còn 8,8% trong tháng 7 vừa qua, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình ước tính là 9,2%. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã nỗ lực duy trì sự ổn định của nền kinh tế thông qua hàng loạt chính sách kích cầu chi tiêu như cắt giảm thuế, tăng cường cho vay vốn… Chính phủ Trung Quốc cũng đang chuẩn bị thực thi những giải pháp cứng rắn hơn, ngay cả khi đối mặt với nguy cơ nợ công tăng cao và tình hình tài chính bất ổn liên miên.
Tổng thống Trump hôm thứ ba đã lên tiếng về “chuyển biến tích cực trong quá trình đàm phán giữa Mỹ Trung” thông qua việc hoãn thuế quan với hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đến giữa tháng 12. Nhưng đây không phải dấu hiệu chắc chắn cho thấy thương chiến Mỹ - Trung chuẩn bị kết thúc sau 1 năm căng thẳng.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc cũng tăng từ 5.1% lên 5.3% trong tháng 7, dù Cục Thống kê nước này cho biết nguyên do đến từ số lượng sinh viên mới tốt nghiệp gần đây.
“Ba thành tố trọng yếu trong vòng tròn kinh tế Trung Quốc là xuất khẩu, chi tiêu cơ sở hạ tầng và đầu tư bất động sản đều đang giảm tốc” - Larry Hu, chuyên viên kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Securities Ltd. (Hồng Kông) cho biết. “Các biện pháp nới lỏng tiền tệ sẽ được thực thi trong thời gian tới, nhưng nó chưa đủ mạnh để xoay chuyển nền kinh tế trước rủi ro suy thoái và bất ổn.”
“Trong một nền kinh tế mà sự bất ổn tồn tại ở cả phía cung và cầu thì những tác động lên hệ thống tín dụng sẽ ít mang lại những tác động tích cực.” Katrina Ell, chuyên viên kinh tế tại Moody’s Analytics (Sydney) nêu quan điểm.