Trump dọa không duyệt ngân sách quốc phòng, nguy cơ đóng cửa chính phủ: Điều gì sẽ xảy ra?

24/12/2020 09:11 GMT+7
Tổng thống Mỹ hôm 23/12 đã tuyên bố phủ quyết Đạo luật cấp phép quốc phòng NDAA 2021, do gói này “không bao gồm những biện pháp an ninh quốc gia trọng yếu”.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ cũng đồng thời yêu cầu Quốc hội sửa đổi gói chi tiêu chính phủ trị giá 2.300 tỷ USD, trong đó bao gồm khoản trợ cấp Covid-19 trị giá 900 tỷ USD. Với việc ông Trump đe dọa không ký phê duyệt dự luật NDAA, chính phủ Mỹ tiếp tục đối diện với nguy cơ buộc phải đóng cửa từ tuần sau do… hết tiền. Vụ việc xảy ra giữa lúc Washington đang thúc đẩy việc phân phối vaccine Covid-19 trên toàn quốc khi số ca nhiễm mới và tử vong do đại dịch tăng vọt.

Chính quyền Trump chưa cho hay họ sẽ làm gì một khi chính phủ đóng cửa, nhưng những lần đóng cửa trước đó trong lịch sử nước Mỹ đã dẫn đến hàng chục nghìn nhân viên không thiết yếu bị cho nghỉ phép và những người ở các vị trí trọng yếu khác thì buộc phải làm việc mà không được trả lương.

Tờ Reuters đã khái quát viễn cảnh sẽ xảy ra nếu ông Trump không thông qua NDAA trước thứ Hai tuần sau, khiến chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa.

Trump dọa không duyệt ngân sách quốc phòng, nguy cơ đóng cửa chính phủ: Điều gì sẽ xảy ra? - Ảnh 1.

Trump dọa không duyệt ngân sách quốc phòng, nguy cơ đóng cửa chính phủ: Điều gì sẽ xảy ra?

Hỗ trợ kinh tế

Các gói trợ cấp thất nghiệp hiện đang được trả cho khoảng 14 triệu người Mỹ thông qua chương trình cứu trợ Covid-19 sẽ hết hiệu lực vào 26/12. Điều này nghĩa là nếu chính phủ đóng cửa, gói này cũng sẽ kết thúc, dẫn đến việc hàng triệu người Mỹ mất việc làm bị mất đi nguồn trợ cấp duy nhất.

Phân phối vaccine

Chính phủ liên bang đã mua tổng cộng 400 triệu liều vaccine Covid-19 từ Moderna hoặc Pfizer, đủ cho 200 triệu người Mỹ tiêm chủng. Nhưng Nhà Trắng cần thêm tiền để mua đủ số lượng vaccine cho tổng dân số Mỹ hơn 328 triệu người. Thêm vào đó là chi phí cho các đơn vị hậu cần vận chuyển và phân phối thuốc, trong đó bao gồm sự hỗ trợ của các nhân viên Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Các bang đã nhận được 340 triệu USD hỗ trợ từ chính phủ để giúp bù đắp chi phí từ việc triển khai phân phối và tiêm chủng vaccine, nhưng số tiền thiếu hụt hiện lên tới khoảng 8 tỷ USD. Nguy cơ đóng cửa chính phủ sẽ ngăn Nhà Trắng đưa ra các khoản tài trợ tiếp theo để các bang lấp đầy khoản thiếu hụt ngân sách này.

Chăm sóc sức khỏe

Những lần đóng cửa chính phủ Mỹ trước đây cũng dẫn đến tình trạng gián đoạn hoạt động trên diện rộng với nhân viên tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) - một trong những cơ quan hiện đang dẫn đầu trong nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19.

Ví dụ, một chương trình CDC theo dõi các đợt bùng phát dịch cúm đã bị ngừng lại trong lần đóng cửa chính phủ năm 2013.

Quân sự

Bộ Quốc phòng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động trong lần đóng cửa chính phủ gần nhất, kéo dài 35 ngày từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019. Nhưng trong suốt giai đoạn đó, Mỹ đã không thể trả lương cho các thành viên phục vụ trong quân ngũ và cả nhân viên dân sự.

Cơ quan thi hành luật

Cục điều tra Liên bang và các cơ quan thực thi pháp luật tiếp tục hoạt động trong các đợt chính phủ đóng cửa. Nhưng Hiệp hội đặc vụ FBI cho hay trong lần đóng cửa gần nhất, việc các khoản tài trợ hết hạn mà chưa được cấp mới đã khiến hoạt động điều tra trở nên khó khăn, những người cung cấp thông tin không được trả tiền. Phần lớn tòa án liên bang vẫn mở cửa vì còn đủ tiền để duy trì hoạt động trong thời gian đó.

Các công viên quốc gia và đài tưởng niệm

Đa số các công viên quốc gia và đài tưởng niệm vẫn mở cửa trong lần đóng cửa chính phủ gần nhất cuối năm 2018. Tuy nhiên lượng nhân viên hạn chế đã dẫn đến tình trạng rác thải tràn ngập và hàng loạt khu cắm trại bất hợp pháp mọc lên.

Cơ quan tài chính

Các nhà quản lý thị trường vẫn đã buộc phải tăng cường thêm nhân viên trong đợt đóng cửa chính phủ gần nhất. Còn Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ thì giữ lại đủ số lượng nhân viên hoạt động tại chỗ để theo dõi thị trường và ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Lĩnh vực vận tải

Các nhân viên Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải, kiểm soát viên không lưu và những người chịu trách nhiệm sàng lọc hàng khách tại các hãng hàng không đã buộc phải tiếp tục làm việc trong thời gian đó. Lần đóng cửa này chỉ kết thúc khi sự vắng mặt của nhiều kiểm soát viên không lưu làm tăng nguy cơ phải hủy bỏ nhiều chuyến bay đến và đi từ New York, khiến Trump và Quốc hội buộc phải nhanh chóng thỏa hiệp.


NTTD
Cùng chuyên mục