Trung Quốc bất ngờ rút tài trợ 2 dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường ở Bangladesh
Động thái rút tài trợ của Trung Quốc khiến ít nhất 2 dự án đường sắt rơi vào tình trạng không chắc chắn và một dự án khác có nguy cơ bị bỏ dở. Đây đều là các dự án được liệt kê trong biên bản ghi nhớ song phương mà Bangladesh ký với Trung Quốc trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2016.
Hồi tháng 10 năm ngoái, sau báo cáo tái đánh giá một số dự án cơ sở hạ tầng quốc gia, Văn phòng Thủ tướng chính phủ Bangladesh đã đề xuất cắt giảm chi phí cho các dự án đường sắt. Cụ thể, chi phí dự kiến 1,045 tỷ USD cho đường sắt Joydebpur-Ishwardi sẽ được cắt giảm 12,91% và ngân sách 1,272 tỷ USD dự chi cho đường sắt khổ kép Akhaura-Sylhet sẽ được cắt giảm 20,8%. Tổng số tiền tiết kiệm được là gần 572 triệu USD.
Đáp lại động thái này, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ rút tài trợ dự án đường sắt Joydebpur-Ishwardi trong khi các nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án đường sắt khổ kép Akhaura-Sylhet cũng tuyên bố ngừng làm việc.
Ngoài ra, văn phòng Thủ tướng Bangladesh cũng yêu cầu xem xét lại chi phí dự án đường sắt khổ kép Joydebpur-Jamalpur trị giá 902,33 triệu USD, cũng được cho là do Trung Quốc tài trợ theo thỏa thuận G2G song phương.
Theo các quan chức ngành đường sắt, trong các dự án G2G với Trung Quốc thì kinh phí, điều kiện chỉ định thầy cũng như quy trình tính toán chi phí dự án là tương tự. Do đó, nếu phía Bangladesh cắt giảm chi phí như dự kiến, dự án đường sắt khổ kép Joydebpur-Jamalpur cũng sẽ đối diện với nguy cơ bị Trung Quốc cắt tài trợ.
Một điều kiện chính để nhận được nguồn tài trợ của Trung Quốc trong các dự án cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường là thay vì lựa chọn nhà thầu qua đấu thầu rộng rãi, phía Bắc Kinh sẽ được quyền lựa chọn nhà thầu Trung Quốc. Chính phủ Bangladesh sẽ chi trả tiền thu hồi đất cũng như tiền lương và tiền công của công nhân. Chính phủ Trung Quốc sẽ trả chi phí xây dựng, chiếm khoảng 80% đến 85% tổng chi phí dự án.
Tuy nhiên, chi phí xây dựng có xu hướng bị đội lên do nhà thầu được lựa chọn thẳng bởi Bắc Kinh mà không cần qua đấu thầu cạnh tranh. Dự kiến, chi phí cho mỗi km của tuyến đường đôi Joydebpur-Ishwardi, do một nhà thầu Trung Quốc xây dựng ở mức 7,2 triệu USD. Trong khi đó, hi phí xây dựng mỗi km của tuyến đường sắt đôi Akhaura-Laksam tương tự mà nhà thầu được lựa chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh chỉ là 2,25 triệu USD.
Các quan chức cho hay phía Bangladesh sẽ viết thư cho Trung Quốc yêu cầu nước này xem xét lại các quyết định rút tài trợ. Nếu không, Bangladesh sẽ phải tìm kiếm các khoản vay từ nhiều nguồn khác, điều này có thể dẫn đến việc chậm trễ hoàn thành dự án trong thời gian dài.
Vì sao Trung Quốc rút tiền?
Một số nhà phân tích cho rằng có một nguyên nhân khác khiến Trung Quốc rút tài trợ các dự án này, đó là chúng góp phần tạo thuận lợi cho việc liên kết Bangladesh và Ấn Độ.
Vào đầu tháng 5, đại sứ Trung Quốc tại Dhaka đã cảnh báo về “thiệt hại đáng kể” cho quan hệ song phương Trung Quốc - Bangladesh nếu Bangladesh tham gia nhóm Quad do Mỹ dẫn đầu (hiện bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ). Bangladesh sau đó phản hồi rằng Dhaka không được mời tham gia liên minh và bình luận của đại sứ là vô căn cứ.
Còn ông Ahsan H. Mansur, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chính sách của Bangladesh cho biết một lý do khiến Trung Quốc rút tài trợ có thể là do chi phí dự kiến bị cắt giảm mạnh. “Tôi tin rằng các dự án của Trung Quốc luôn được định giá quá cao…. Một động thái cắt giảm đơn phương có thể làm tổn hại “cái tôi” của Trung Quốc”. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa Bangladesh và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng khi nước này lựa chọn sử dụng vắc xin Covid-19 được sản xuất ở Ấn Độ thay vì một loại vắc xin của Trung Quốc.