Vành đai và Con đường trở thành hy vọng của Tổng thầu Trung Quốc trước mối đe dọa từ Mỹ
Công ty xây dựng truyền thông Trung Quốc (CCCC), một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất hành tinh do Bắc Kinh hậu thuẫn đang đối diện với ngày càng nhiều bất ổn sau khi bị Mỹ đưa 5 công ty con vào danh sách đen cách đây nửa tháng cùng với 24 công ty quốc doanh khác.
Cho đến nay, Mỹ đã đưa vào danh sách đen khoảng 300 công ty Trung Quốc, bao gồm cả gã khổng lồ viễn thông số 1 thế giới Huawei. Danh sách đen đồng nghĩa với các doanh nghiệp Mỹ không thể tiến hành giao dịch hoặc xuất khẩu sản phẩm cho những thực thể này nếu không có sự cho phép đặc biệt của Bộ Thương mại Mỹ.
Để khắc phục khó khăn hiện tại, CCCC đang chuyển hướng sang thúc đẩy các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường do Bắc Kinh khởi xướng.
Trong một tuyên bố gần đây, CCCC khẳng định: “Quan hệ Mỹ Trung đang rơi xuống điểm thấp kỷ lục kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay. Khi xung đột chính trị ngày một leo thang, sự bất ổn xoay quanh các hoạt động tại nước ngoài của CCCC cũng gia tăng theo…. Tuy nhiên, đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn sẽ là một phương thức kích thích kinh tế toàn cầu. Đó là lý do vì sao Trung Quốc tiếp tục theo đuổi Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
“Việc Trung Quốc tiếp tục tập trung vào các dự án Vành đai và Con đường đã trở thành một chiến lược quan trọng. Đây là một thời cơ” - Công ty xây dựng truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh. “Cho đến nay, gần 140 quốc gia và 30 tổ chức kinh tế quốc tế đã ký 200 thỏa thuận liên quan đến các dự án Vành đai và Con đường với Trung Quốc”.
Nhiều chuyên gia quan sát quan ngại việc 5 công ty con bị đưa vào danh sách đen có thể cản trở những dự án của hàng loạt công ty con khác trực thuộc CCCC. Nhưng bất chấp những lo ngại như vậy, một số công ty con của CCCC vẫn tiếp tục thúc đẩy các dự án Vành đai và Con đường sau khoảng thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh.
Tháng trước, Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (China Harbour Engineering Company), một thành viên của CCCC đã cử 168 công nhân sang tiếp tục công việc tại các dự án ở Sri Lanka, bao gồm Dự án Thành phố Cảng Colombo, Dự án Xử lý Chất thải Rắn Thành phố Colombo và Dự án Xây dựng Nhà ở Colombo. China Harbour cũng cử công nhân sang tiếp tục làm việc trong dự án cảng nước sâu Kribi và đường cao tốc Yaounde-Douala của Cameroon.
Một công ty khác trực thuộc CCCC là Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc hiện đang bắt tay tiến hành giai đoạn 2 dự án Đường cao tốc Karakoram, một dự án giao thông trọng điểm thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Con đường bắt đầu từ vùng Kashgar ở tỉnh Tân Cương phía đông Trung Quốc, băng qua ba dãy núi chính là Karakorum, Hindu Kush và Himalayas, trước khi đi qua đèo Hongqilaf ở biên giới Trung Quốc-Pakistan, nối liền với thị trấn Thakot ở phía bắc Pakistan.
Không riêng CCCC, nhiều công ty xây dựng Trung Quốc khác cũng đang nỗ lực thúc đẩy những dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo Ủy ban Cải cách & Phát triển Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc hồi tháng 8 qua đã hoàn thành phần việc tại tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung (Philippines).