Trung Quốc đổ 1,4 nghìn tỷ USD để giành ghế cường quốc công nghệ số 1 từ tay Mỹ

21/05/2020 17:30 GMT+7
Tờ Bloomberg mới đây đưa tin Bắc Kinh đang có kế hoạch bơm hơn 1 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua phát triển các lĩnh vực công nghệ cao từ mạng di động thế hệ mới 5G cho đến trí tuệ nhân tạo AI.
Trung Quốc đổ 1,4 nghìn tỷ USD để giành ghế cường quốc công nghệ số 1 từ tay Mỹ - Ảnh 1.

Trung Quốc có kế hoạch đầu tư 1,4 nghìn tỷ USD vào lĩnh vực công nghệ cao, cạnh tranh trực tiếp với Mỹ

Trong bản kế hoạch tổng thể mà chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình hậu thuẫn, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ NDT (1,4 nghìn tỷ USD) vào lĩnh vực công nghệ cao trong giai đoạn 2019-2025. Bản kế hoạch yêu cầu chính quyền địa phương kết hợp với các đại gia công nghệ như Huawei phủ sóng mạng lưới 5G không dây, phát triển hệ thống giám sát an ninh camera và cảm biến cùng trí tuệ nhân tạo AI để phục vụ công nghệ xe tự lái, các nhà máy sản xuất tự động… 

Dự kiến, các tập đoàn công nghệ tư nhân lớn như Alibaba, Huawei, SenseTime… sẽ đóng vai trò chủ lực trong kế hoạch tổng thể này. Các nhà phát triển công nghệ tiên phong như Jack Ma, Pony Ma Huateng cũng đóng góp vào kế hoạch. Khoản tiền 1,4 nghìn tỷ USD ước tính sẽ chi cho phát triển trí tuệ nhân tạo AI và mạng lưới Internet vạn vật IoT, cùng các cơ sở hạ tầng đường dây điện cao thế, đường sắt cao tốc…

Với làn sóng chủ nghĩa dân tộc trong lĩnh vực công nghệ lên cao, kế hoạch đầu tư được kỳ vọng sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài, lặp lại các mục tiêu đã đặt ra trong sáng kiến Made in China 2025 trước đó. Sáng kiến Made in China 2025 tập trung phát triển 10 ngành công nghệ trọng điểm của Trung Quốc bao gồm hàng không vũ trụ, Robot, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, tin học…). Mục đích của sáng kiến không dừng lại ở việc phát triển 10 ngành trên đến trình độ cao mà còn mong muốn giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài theo hướng tự chủ, tự lực tự cường. Do đó, kể từ khi công bố, sáng kiến này đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ chính quyền Trump.

Giám đốc điều hành của Digital China Holdings, bà Maria Kwok nhận định đây là kế hoạch “vô tiền khoáng hậu” mà Trung Quốc tung ra để giành chiến thắng trong cuộc đua công nghệ toàn cầu mà Mỹ đang ở vị thế tiên phong. Quốc hội Trung Quốc sẽ họp từ ngày 22/5, trong đó gói tài chính thúc đẩy đầu tư công nghệ là một phần dự thảo đang chờ phê duyệt. Chính phủ Bắc Kinh dự kiến sẽ công bố gói đầu tư cơ sở hạ tầng lên tới 563 tỷ USD trong bối cảnh nền kinh tế đất nước tăng trưởng yếu nhất trong nhiều thập kỷ.

Bà Maria Kwok cho biết thêm chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ không giống như bất kỳ nỗ lực hồi sinh kinh tế nào sau đại dịch Covid-19, mà có vẻ như phục vụ nhiều hơn cho tham vọng vươn lên dẫn đầu các ngành công nghệ tiên tiến.

Còn Nannan Kou, nhà nghiên cứu tại BloombergNEF thì nhận định kế hoạch này có thể dẫn tới sự hợp nhất hoặc hợp tác chặt chẽ giữa các nhà cung cấp công nghệ lớn nhất Trung Quốc, dẫn tới sự xuất hiện của những tập đoàn lớn với sức cạnh tranh ngang hàng các nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu như GE và Siemens.

Hồi cuối năm 2019, Michael Brown - một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc đang nỗ lực bắt kịp và dần vượt qua Mỹ trên một số lĩnh vực công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, khoa học lượng tử, mạng 5G, công nghệ di truyền và không gian. Đây không chỉ là những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội lâu dài mà còn được ứng dụng trong hoạt động quân sự, do đó ảnh hưởng to lớn đến vị thế quốc gia trên chính trường quốc tế. “Tôi tin rằng vấn đề an ninh kinh tế có mối liên hệ mật thiết với an ninh quốc gia” - ông Michael Brown nhấn mạnh, cảnh tỉnh Washington về tham vọng của Bắc Kinh.

Không riêng Trung Quốc, Hàn Quốc hồi đầu tháng 5 cũng tuyên bố bơm tiền vào lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI và mạng lưới di động không dây để tạo động lực hồi sinh kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục