Trả đũa loạt đại gia công nghệ Mỹ là Trung Quốc đang "tự bắn vào chân mình"?

16/05/2020 17:18 GMT+7
Bộ Quy tắc mới mà Mỹ ban hành hôm 15/5 nhằm chặn đứng nguồn cung chip của Huawei có thể sẽ khởi đầu một giai đoạn tách rời mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và mang đến tổn thất nặng nề cho nhiều doanh nghiệp Mỹ như Apple, Boeing, Qualcomm...

Apple, Boeing, Qualcomm đối diện tổn thất bi đát khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang

Những luận điệu chỉ trích Trung Quốc của Tổng thống Trump đã mạnh lên trong vài tuần gần đây khi Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Nhưng Bộ quy tắc mới nhất mà Bộ Thương mại Mỹ ban hành hôm 15/5 là biện pháp kinh tế đầu tiên của Washington hướng đến Bắc Kinh kể từ sau khi ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 hồi tháng 1/2020 đến nay.

Những luật lệ mới được quy định trong Quy tắc sản xuất sản phẩm tại nước ngoài, qua đó yêu cầu các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ và linh kiện Mỹ phải được Mỹ cho phép trước khi xuất khẩu chip cho Huawei, ngay lập tức vấp phải mối đe dọa trả đũa từ Mỹ. 

Hu Xijin, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo được quản lý bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay: “Dựa theo những nguồn tin tôi có được, một khi Mỹ chặn đứng nguồn cung công nghệ cho Huawei, Trung Quốc sẽ khởi động danh sách đen các thực thể không đáng tin cậy, qua đó hạn chế thương mại hoặc điều tra nhiều doanh nghiệp Mỹ như Qualcomm, Cisco và Apple và đình chỉ các đơn hàng mua máy bay Boeing”.

Trả đũa loạt đại gia công nghệ Mỹ là Trung Quốc đang "tự bắn vào chân mình"? - Ảnh 1.

Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài là động thái trả đũa kinh tế đầu tiên mà Mỹ nhắm Trung Quốc sau thỏa thuận thương mại giai đoạn 1

Một động thái như vậy từ Bắc Kinh chắc chắn sẽ tác động mạnh đến nhà sản xuất máy bay Mỹ Boeing. Boeing vốn đã lao đao kể từ sau bê bối dòng máy bay Boeing 737 Max gây ra hai vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng giết chết 346 người. Hãng này sau đó tổn thất lớn do dòng máy bay Boeing 737 Max không chỉ bị ngừng sản xuất mà còn bị hàng loạt chính phủ cấm bay, dẫn đến nhiều hãng hàng không đòi bồi thường. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 làm giảm mạnh nhu cầu vận tải hàng không, buộc nhiều hãng hàng không hủy đơn hàng máy bay vì khó khăn tài chính càng làm tình hình của Boeing thêm nguy cấp. Tháng trước, Boeing phải cắt giảm 16.000 việc làm, tương đương 10% lực lượng lao động trong nỗ lực giảm thiểu chi phí vận hành.

Đáng quan ngại hơn, thị trường Trung Quốc chiếm tới 13,6% tổng doanh thu của Boeing trong năm 2018, thời điểm trước khi thương chiến Mỹ Trung leo thang dẫn đến cuộc chiến tranh thuế quan giữa hai nền kinh tế. Do đó, một khi Bắc Kinh giáng đòn Boeing nhằm trả đũa Washington, Boeing chắc chắn đối diện thiệt hại hàng tỷ USD.

Qualcomm, một công ty sản xuất chip lớn của Mỹ đang đặt cược sự tăng trưởng vào việc thương mại hóa kết nối mạng không dây thế hệ năm, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Lợi nhuận Qualcomm đã giảm mạnh 29% trong quý I/2020 do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 tại thị trường Trung Quốc. Nhưng giờ đây, Qualcomm đứng trước mối quan ngại rằng doanh thu từ thị trường béo bở này sẽ ngày một giảm ngay cả khi đại dịch biến mất do sự trả đũa của Bắc Kinh.

Đối với Apple, thị trường Trung Quốc đại lục đóng góp tới 16% tổng doanh thu, theo báo cáo tài chính mới nhất của Nhà Táo. Không những thế, Apple còn phụ thuộc mạnh mẽ vào thị trường Trung Quốc như cơ sở sản xuất chủ lực của hãng này, từ các sản phẩm chủ lực như iPhone cho đến phụ kiện như AirPods...

Cổ phiếu Boeing, Apple và Qualcomm đã giảm mạnh trong phiên giao dịch 15/5 trên thị trường chứng khoán Mỹ, qua đó đưa vốn hóa thị trường 3 ông lớn bốc hơi 14 tỷ USD.

Không ai chiến thắng

Sự trả đũa của Trung Quốc là hoàn toàn được dự báo trước. Hồi cuối tháng 3, Chủ tịch Huawei Eric Xu từng cảnh báo ông không nghĩ “chính phủ Trung Quốc sẽ ngồi yên và chứng kiến Huawei bị tàn sát” khi có nhiều thông tin cho thấy Washington đang xem xét các bộ quy tắc chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của hãng này.

Nhưng Wendy Cutler, cựu chuyên gia đàm phán thương mại Mỹ, hiện là Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á có trụ sở tại New York nhận định Trung Quốc có thể “tự bắn vào chân mình” nếu trả đũa các công ty Mỹ theo cách cực đoan như vậy. Việc nhắm mục tiêu hoặc hạn chế thương mại “có thể dẫn đến làn sóng đẩy các doanh nghiệp Mỹ ra khỏi thị trường Trung Quốc vào thời điểm (Bắc Kinh) cần các doanh nghiệp này để góp phần khôi phục nền kinh tế”. 

Tất nhiên, một sự gia tăng căng thẳng kéo theo xung đột ăn miếng trả miếng cũng có nguy cơ gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Mỹ vốn đã chứng kiến 36,5 triệu người mất việc trong hai tháng gần đây và tăng trưởng GDP -4,8% trong quý I.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục