Trung Quốc giãn nợ 2,1 tỷ USD cho các nước nghèo
Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 cuối tuần này, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kun tuyên bố Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc và Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc EximBank đã tiến hành hoãn thanh toán các khoản nợ trị giá 1,353 tỷ USD như một phần động thái ủng hộ sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ (DSSI) do G20 khởi xướng.
Trước đó, hồi cuối tháng 9/2020, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cũng ký thỏa thuận giãn nợ cho các quốc gia nghèo Châu Phi với tổng giá trị khoản nợ lên tới 748 triệu USD. Như vậy, cho đến nay, số nợ mà Trung Quốc tạm đình chỉ thanh toán cho các nước nghèo (đa số ở Châu Phi) đã lên tới khoảng 2,1 tỷ USD.
DSSI là sáng kiến tạm đình chỉ các khoản thanh toán nợ giữa các chính phủ giàu với các chính phủ nghèo để hỗ trợ 73 quốc gia đang phát triển vượt qua cuộc khủng hoảng gây ra bởi dịch Covid-19. Sáng kiến được thông qua sau khi hồi tháng 4, loạt Bộ trưởng Tài chính và Giám đốc Ngân hàng Trung Ương trong nhóm các quốc gia G20 đồng ý tạm dừng các khoản thanh toán dịch vụ nợ đến hạn từ ngày 1/5 đến cuối năm nay cho các nước nghèo. Ngân hàng Thế giới và nhóm các quốc gia G7 sau đó đã thúc đẩy Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) tham gia sáng kiến này nhưng Trung Quốc khi đó lập luận CDB là bên cho vay thương mại chứ không đại diện cho chính phủ, làm dấy lên những ý kiến trái chiều.
Mark Bohlund, nhà nghiên cứu tín dụng cấp cao tại công ty tư vấn REDD Intelligence cho hay Trung Quốc đã làm rõ rằng khoản 1,353 tỷ USD giãn nợ mới nhất của EximBank là khoản đình chỉ nợ theo sáng kiến DSSI trong khi 748 triệu USD giãn nợ hồi tháng 9 của CDB là sự tham gia DSSI tự nguyện của bên cho vay thương mại là tư nhân.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, trong số tổng khoản nợ của các quốc gia nghèo tham gia Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ DSSI của G20 đến hạn trong năm nay, có tới 70% tương đương 7,17 tỷ USD nợ thuộc về chủ nợ Trung Quốc. Số nợ này dự kiến sẽ tăng lên 10,51 tỷ USD, tương đương 74% vào năm 2021. Nhưng theo ông Bohlund, các khoản nợ của Angola và Pakistan với CDB Trung Quốc chiếm đa số tổng nợ kể trên, do đó bất kỳ động thái giãn nợ nào sẽ là sự tham gia tự nguyện của CDB.
Cho đến nay, Trung Quốc là chủ nợ song phương lớn nhất với các quốc gia nghèo Châu Phi, những nước đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ do đại dịch Covid-19.
Ở châu Phi, nơi Bắc Kinh là bên cho vay song phương lớn nhất, các quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ do coronavirus gây ra. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tổng nợ của các nước nghèo đối với các quốc gia giàu có G20 đã lên tới 178 tỷ USD vào năm 2019. Trong đó, 63% thuộc về chủ nợ Trung Quốc.