Sau RCEP, Trung Quốc cân nhắc tham gia Hiệp định TPP
Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hay Bắc Kinh sẽ “xem xét việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP)" - hiệp định thương mại gồm 11 nước thành viên trong đó có Việt Nam.
Ông Tập cũng bày tỏ sự hoan nghênh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP của 15 quốc gia châu Á Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa được ký kết hồi tuần trước tại Hà Nội. “Chúng ta phải kiên quyết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương với trọng tâm là Tổ chức Thương mại Thế giới WTO; qua đó thúc đẩy tự do trong thương mại và đầu tư, đưa luồng gió cởi mở vào kinh tế toàn cầu, mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia… Chúng ta cần thêm những nỗ lực liên tục để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực”.
Tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc đang có kế hoạch bành trướng vai trò kinh tế trong khu vực châu Á khi Mỹ tập trung vào quá trình chuyển giao quyền lực tại Washington. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định TPP (hiện đã được đổi tên thành CPTPP) để ưu tiên cho chiến lược "Nước Mỹ trên hết".
Trước đó một ngày, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cũng khẳng định Trung Quốc có thái độ “cởi mở và tích cực” với việc xem xét gia nhập Hiệp định TPP. Nếu Trung Quốc thực sự tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương TPP, nước này sẽ trở thành thành viên của hai thỏa thuận thương mại lớn nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong khi Mỹ không có tên trong cả hai.
Phản ứng trước động thái của Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã bày tỏ sự hoan nghênh việc đưa các thành viên mới vào Hiệp định TPP cũng như xây dựng một khuôn khổ thương mại tự do trên toàn châu Á - Thái Bình Dương. Ông Suga nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiến bộ công nghệ và thành tựu kỹ thuật số trong việc dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu ra khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC, các nhà lãnh đạo cũng đưa ra tuyên bố chung đầu tiên sau 3 năm, trong đó có lời kêu gọi hợp tác toàn khối để ứng phó với đại dịch Covid-19 và phát triển, phân phối vaccine.