Trung Quốc lại thiếu điện, nhiều nhà máy bị hạn chế sản xuất

31/05/2021 17:31 GMT+7
Các nhà máy ở tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất miền Nam Trung Quốc, gần đây đã nhận được yêu cầu từ các nhà cung cấp điện về việc cắt giảm sử dụng điện thông qua hạn chế hoạt động do mức tiêu thụ điện tăng cao trong mùa hè gây áp lực lên hệ thống tải điện.

Kể từ giữa tháng 5, 17 thành phố lớn ở miền Nam Trung Quốc bao gồm Quảng Châu, Chu Hải và Đông Quan đã bị hạn chế sử dụng điện. Một nhà cung cấp điện địa phương ở Đông Quan, nơi đặt hàng nghìn nhà máy sản xuất từ quần áo cho đến linh kiện smartphone, cho hay các biện pháp hạn chế tiêu thụ điện sẽ kéo dài cho đến cuối năm.

Các nhà máy ở một số vùng của tỉnh Quảng Đông chỉ có thể hoạt động bốn ngày trong tuần trong bối cảnh mức tiêu thụ điện năng dân dụng tăng cao trong mùa hè, gây áp lực lớn lên hệ thống cung cấp và truyền tải điện. 

Các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam lân cận cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Từ ngày 25/5 đến ngày 30/5, nhu cầu sử dụng điện ở Quảng Tây có thể tăng lên mức tối đa là 27 triệu kW điện- cao hơn 11% so với khả năng cung cấp.

Vân Nam, một trong những điểm cung cấp thủy điện lớn cho đất nước cũng đã phải áp đặt giới hạn sử dụng điện kể từ ngày 10/5 vừa qua. Một số nhà máy sản xuất nhôm điện phân trong khu vực đã phải đối mặt với tình trạng sụt giảm sản lượng do bị cắt giảm nguồn cung điện.

Một nhà sản xuất bảng mạch ở Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông thì cho biết họ đã nhận được thông báo cắt điện vào giờ cố định 3 ngày mỗi tuần. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng. Để gấp rút hoàn thiện các đơn hàng, công ty này đã phải thuê máy phát điện để tiếp tục hoạt động.

Theo Caixin, nhu cầu điện ở Quảng Đông có thể tăng lên mức tối đa 133 triệu kW vào tháng 5, cao hơn 11 triệu kW so với khả năng cung cấp của lưới điện.

Trung Quốc lại thiếu điện, nhiều nhà máy bị hạn chế sản xuất - Ảnh 1.

Trung Quốc lại thiếu điện, nhiều nhà máy bị hạn chế sản xuất

Hoạt động công nghiệp gia tăng và nhu cầu sử dụng điện hộ gia đình trong mùa hè đã làm tăng mức sử dụng điện năng. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định rằng tình trạng gián đoạn nguồn cung điện và cắt giảm sản lượng sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tình trạng thiếu nước trầm trọng trong mùa khô vào tháng 4 và tháng 5 cũng đã hạn chế năng suất sản xuất thủy điện. Lưu lượng nước ở các sông Lancang (còn gọi là sông Mekong) và Jinsha, nơi đặt một số nhà máy thủy điện lớn của Trung Quốc đã ít hơn từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng điện hàng ngày tại các nhà máy thấp hơn 20 triệu kW so với công suất dự kiến.

Giá than tăng cao cũng làm tăng chi phí sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện than và hạn chế hoạt động sản xuất điện.

Giá than nhiệt 5.500 kcal của Trung Quốc đã tăng gần 60% lên gần 1.000 Nhân dân tệ (157 USD) / tấn trong hai tháng qua. Nhà phân tích thị trường Shi Dongsheng cho biết với mức giá đó cộng thêm chi phí vận hành, các nhà máy nhiệt điện than khó có lợi nhuận.

Mùa đông năm ngoái, tình trạng thiếu điện cũng khiến nhiều nhà máy ở miền Nam Trung Quốc bị gián đoạn hoạt động. Việc cúp điện luân phiên để phân bổ tiết kiệm điện đã diễn ra ở các tỉnh Hồ Nam và Chiết Giang vào tháng 12 năm ngoái, khiến các nhà sản xuất tại đây gần như không có cách nào tăng sản lượng vào thời điểm mùa tiêu thụ Tết Nguyên đán cận kề. Khi đó, ngay chính tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến, nơi được ví như thung lũng Silicon của Trung Quốc, tình trạng mất điện luân phiên kéo dài hàng tuần cũng diễn ra.

Một số chuyên gia khi đó nhận định một phần nguyên nhân thiếu cung than đến từ việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu than từ Úc sau khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra leo thang hồi tháng 4/2020. Mặt khác, kể từ năm ngoái, Bắc Kinh đã chỉ thị cho các nhà máy điện hạn chế than nhập khẩu từ thị trường bên ngoài để đảm bảo mức giá ổn định. Những hạn chế này đã được dỡ bỏ sau đó, trừ hạn chế với thị trường Úc.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định tình trạng thiếu điện không phải là hệ quả của căng thẳng với Úc hay các hạn chế nhập khẩu than từ Úc, mà là do nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng vọt trong mùa đông lạnh kỷ lục. Thêm vào đó, các nhà máy cũng cần công suất điện lớn để khôi phục hoạt động sản xuất sau thời gian lao đao vì dịch bệnh. Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, tính riêng trong tháng 12/2020, Trung Quốc đã sử dụng lượng điện lớn hơn 11% so với cùng kỳ năm 2019.



NTTD
Cùng chuyên mục