Trung Quốc thiếu điện: cúp điện diện rộng, doanh nghiệp lao đao khi Tết cận kề
Lin Xianxin, một chủ nhà máy sản xuất bao bì Ming Yu ở tỉnh Ôn Châu, Trung Quốc tưởng như đã thấy cơ hội làm ăn mở cửa trở lại sau thời gian gián đoạn hồi đầu năm vì đại dịch Covid-19. Nhà máy của Lin gần như hoạt động hết công suất khi lượng đơn đặt hàng đổ về từ khắp nơi và nền kinh tế dần phục hồi trở lại. Nhưng đà tăng trưởng đó đã chững lại vào tuần trước, khi các nhà chức trách địa phương cắt điện cơ sở sản xuất này và giới hạn số giờ được cấp điện.
“Điều đó ảnh hưởng nặng nề đến chúng tôi. Việc cắt điện vào thời điểm bận rộn nhất trong năm (khi các đơn hàng tăng vọt để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán) là không hợp lý. Tất cả các đơn hàng đặt sau 15/12 đều đã bị trì hoãn, thậm chí chúng tôi có thể phải hủy đơn” - ông Lin Xianxin cho hay. Cũng theo ông Lin, Ôn Châu đã không chứng kiến hiện tượng phân bổ tiết kiệm điện trên diện rộng như vậy trong rất nhiều năm qua. Việc cúp điện luân phiên tổng cộng 3 đợt trong tháng này sẽ gây ra tổn thất ước tính 50.000 NDT mỗi ngày cho cơ sở sản xuất của ông Lin.
Lin Xianxin không phải chủ doanh nghiệp duy nhất thiệt hại nặng nề vì các biện pháp cúp điện luân phiên của chính phủ. Trên khắp cả nước, nhiều tỉnh thành đang phải vật lộn với tình trạng cúp điện đột ngột tồi tệ nhất trong gần 1 thập kỷ. Sản xuất bùng nổ và thời tiết lạnh giá khắc nghiệt đã đưa mức tiêu thụ điện năng mùa đông lần đầu tiên vượt quá mùa hè trong nhiều năm qua. Năng suất sản xuất điện rõ ràng không theo kịp nhu cầu.
Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung điện đã chỉ ra những vấn đề sâu sắc trong cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc. Ông Yunhe Hou, phó giáo sư từ khoa kỹ thuật điện và điện tử tại Đại học Hồng Kông nhận định điều này cho thấy thị trường điện năng hiện tại có vẻ không đáp ứng được sự bùng nổ của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Trung Quốc. Sản xuất điện từ các địa phương không đủ, sản xuất than trong nước chưa bắt kịp nhu cầu và các hạn chế nhập khẩu than từ Úc trong thời gian qua đã làm trầm trọng thêm tình trạng này. Thêm vào đó, tham vọng chuyển từ năng lượng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định.
“Ví dụ, 45% sản lượng điện được sản xuất tại Hồ Nam xuất phát từ các nhà máy thủy điện. Nhưng nguồn phát điện từ nước ngày càng hạn chế do tình trạng lũ lụt vào mùa hè và đóng băng vào mùa đông. Thêm vào đó, nguồn cung than từ Sơn Tây và Thiểm Tây cũng giảm đi đáng kể trong năm nay. Nếu chính phủ Bắc Kinh muốn hạn chế tiêu thụ than, họ cần đảm bảo những nguồn cung năng lượng thay thế khác. Đây vẫn còn là vấn đề nan giải” - ông Yunhe Hou nhấn mạnh.
Trong 11 tháng đầu năm, Trung Quốc tiêu thụ tổng cộng 6.677,2 tỷ kWh điện, tức nhiều hơn mức tiêu thụ hàng năm của năm 2017 và 2018 và dự kiến nhiều hơn 3% so với năm 2019. Chỉ riêng tháng 11, tiêu thụ điện của Trung Quốc đã đạt mức 646,7 tỷ kWh, mức cao nhất trong 27 tháng.
Hàng chục thành phố ở các tỉnh Chiết Giang, Hồ Nam, Giang Tây, Thiểm Tây và Quảng Đông đã áp đặt giới hạn sử dụng điện ngoài giờ cao điểm cho các nhà máy kể từ giữa tháng 12. Tại Thâm Quyến, thủ phủ công nghệ của Trung Quốc thậm chí còn xảy ra tình trạng mất điện luân phiên kéo dài hàng tuần liền. Dự kiến, tỉnh Giang Tô miền đông Trung Quốc cũng sắp áp dụng các hạn chế về điện.
Một số nhà phân tích cho rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng tại Trung Quốc hiện nay có thể là do lệnh cấm nhập khẩu than Úc, nhưng chính phủ Bắc Kinh đã lên tiếng phủ nhận. Theo tờ Bloomberg, hồi tháng trước, hai tàu chở khối lượng than trị giá 500 triệu USD của Úc đã phải neo tại ngoài khơi bờ biển Trung Quốc mà chưa được dỡ hàng khi căng thẳng địa chính trị giữa hai quốc gia không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Ông Yunhe Hou cho rằng lệnh cấm nhập khẩu than từ Úc không phải là nguyên nhân chính gây ra thiếu hụt năng lượng, tuy nhiên nhấn mạnh “tình hình sẽ được cải thiện một khi lệnh cấm nhập khẩu được dỡ bỏ”.
Than Úc chiếm tới 41% tổng kim ngạch than cốc và 25% tổng kim ngạch than nhiệt nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2019, theo Trung tâm Dữ liệu lớn của Than Trung Quốc. Theo ghi nhận của Nanhua Futures, than nhiệt nhập khẩu đóng góp khoảng 7% nguồn cung than quốc gia này vào năm ngoái. Hầu hết than nhiệt nhập khẩu từ Úc được sử dụng ở miền trung, miền nam và miền đông Trung Quốc, đặc biệt là ở các thành phố ven biển, vì chi phí vận chuyển lên phía bắc quá cao. Do đó, lệnh cấm than của Úc đã có tác động lớn hơn đến các thành phố ở khu vực này.
Không riêng nguồn cung than nhập khẩu chững lại, nguồn cung than trong nước cũng giảm đi khi chính phủ thắt chặt các tiêu chuẩn mở lại những mỏ khai thác than sau hàng loạt vụ tai nạn lao động. Chỉ trong 11 tháng đầu năm, 13 vụ tai nạn mỏ đã xảy ra ở Sơn Tây, trung tâm khai thác than của Trung Quốc, khiến 26 công nhân thiệt mạng. Do đó, tỉnh dự kiến sẽ đóng cửa tất cả các mỏ than nhỏ có công suất hàng năm dưới 600.000 tấn vào cuối năm nay.
Sản xuất than ở Nội Mông, nơi chiếm một phần ba sản lượng than của Trung Quốc, cũng bị gián đoạn. Các tàu thăm dò tham nhũng được đưa vào năm nay nhằm phát triển các mỏ trong hai thập kỷ qua đã làm ảnh hưởng đến sản lượng của khu vực tự trị, nơi có 523 mỏ với tổng công suất ước tính là 1,3 tỷ tấn một năm.
Do cầu vượt cung, giá than ở Trung Quốc trong tháng 10 đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2019. Xue Jing, một cựu quan chức tại Hội đồng Điện lực Trung Quốc cho biết: “Than nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng giá than trong nước, nhưng sản lượng khai thác giảm tại các mỏ trong nước là một nguyên nhân khác khiến giá than tăng mạnh”.
Trong một động thái trấn an dư luận, chính phủ Trung Quốc hồi tuần trước đã tuyên bố có đủ nguồn cung than để sưởi ấm trong mùa đông. Tập đoàn Lưới điện Nhà nước Trung Quốc, đơn vị vận hành mạng lưới điện quốc gia, cũng cam kết tăng công suất truyền tải và đáp ứng tối đa nhu cầu mua điện cho các tỉnh.