Trung Quốc "mở cửa", đơn hàng trái cây, tôm cua sẽ tấp nập xuất ngoại

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 30/12/2022 18:59 PM (GMT+7)
Việc Trung Quốc thay đổi chính sách phòng chống Covid-19, "mở cửa" sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các mặt hàng nông, lâm thuỷ sản của Việt Nam. Đặc biệt là các mặt hàng trái cây, thuỷ sản tươi sống như tôm, cua sẽ sang Trung Quốc theo đường bộ nhanh hơn so với đi đường biển.
Bình luận 0

Thặng dư thương mại đạt trên 8,5 tỷ USD

Ngày 30/12, Bộ NNPTNT tổ chức họp báo thông tin về kết quả công tác năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, với sự chủ trì của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết, năm 2022, ngành NNPTNT đã triển khai các nhiệm vụ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp. Đặc biệt là với việc "đổi mới tư duy" để vượt qua khó khăn, thách thức từ các tình huống bất bình thường của thực tiễn sản xuất kinh doanh nên đã đạt các mục tiêu phát triển.

Cụ thể, giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88% (trồng trọt tăng 1,51%, chăn nuôi tăng 5,93%); thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; tỷ lệ che phủ rừng trên 42,02%. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD.  

Trung Quốc "mở cửa", đơn hàng trái cây, tôm cua sẽ tấp nập xuất ngoại - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, tăng trưởng nông nghiệp đạt mức cao nhất trong những năm gần đây, tái cơ cấu nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu một cách rõ ràng. Ảnh: Minh Huệ

Đánh giá về kết quả này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022 ngành nông nghiệp đứng trước thách thức rất lớn, các chuỗi ngành hàng, thị trường tiêu thụ bị đứt gãy; thiên tai diễn biến phức tạp, song nông nghiệp vẫn có mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Với kết quả này, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những người làm nông nghiệp. Với sản lượng lúa 4,42 triệu tấn, chúng ta không chỉ đảm bảo tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu hơn 7 triệu tấn, với giá trị 2,49 tỷ USD. 

Chưa kể sản lượng rau màu, ngô đạt 24,5 triệu tấn; sản lượng thịt, trứng, sữa... đều đạt và vượt chỉ tiêu. Thủy sản đạt 9,26 triệu tấn, xuất khẩu đạt 11 tỷ USD. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì thị trường Mỹ chiếm 24,5%, Trung Quốc chiếm 19,5%, Nhật 8%, Hàn Quốc 4,7%, Philipinness 3,6%. 

"Nếu chúng ta không đẩy mạnh tái cơ cấu theo chiều sâu thì không thể có cơ cấu thị trường đó. Với những kết quả này, sang năm 2023, chúng ta tin tưởng từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với chuyển đổi số thì xuất khẩu nông sản sẽ có bức tranh tốt hơn, sâu hơn" - Thứ trưởng Tiến nói.

Đơn hàng nông lâm, thuỷ sản sang Trung Quốc sẽ tăng mạnh

Trước việc Trung Quốc chuẩn bị mở cửa biên giới trở lại, nởi lỏng cách ly từ ngày 8/1/2023, ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, để chuẩn bị cho hàng hoá xuất khẩu thuận lợi sang thị trường này, Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các đơn vị tại cửa khẩu sắp xếp nhân sự, bố trí nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. 

Với các mặt hàng chủ lực đã được ký xuất khẩu chính ngạch, Cục BVTV đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về các vùng trồng và cơ sở đóng gói, mùa vụ, năng suất để điều tiết các vùng nguyên liệu, tránh ùn tắc, gây áp lực tiêu thụ tại các cửa khẩu. 

Ông Đạt cũng cho biết Cục thường xuyên thiết lập kênh trao đổi với các địa phương, doanh nghiệp nhằm kiểm soát tốt hơn nữa các vấn đề tiêu chuẩn xuất khẩu; tuyền thông bà con tuân thủ các quy trình sản xuất, khai báo nhật ký sản xuất, kiểm soát tốt các vấn đề kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tận dụng cơ hội xuất khẩu.

Trung Quốc "mở cửa", đơn hàng trái cây, tôm cua sẽ tấp nập xuất ngoại - Ảnh 2.

Dù bị hạn chế bởi Covid-19, nhưng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh, với 160 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Ảnh: Trần Đáng

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết thêm, đến nay đã có 9 nhà máy của 7 công ty sản xuất sữa được xuất khẩu sang Trung Quốc, tăng tăng 50% so với năm 2021. Đặc biệt là sau gần 4 năm đàm phán, chúng ta đã ký được nghị định thư xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc. Hiện Cục Thú y đã ban hành hướng dẫn gồm 7 bước cho các đơn vị có nhu cầu xuất khẩu yến và đã có 5 đơn vị gửi hồ sơ.

"Cố gắng đầu năm 2023 sẽ có lô yến đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng đang phối hợp với phía Trung Quốc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng. Khi hoàn tất các quy trình, 2 bên kí thoả thuận thì chúng ta sẽ có thể xuất khẩu lợn, gia cầm sang Trung Quốc thuận lợi" - ông Long nói. 

Cũng theo Cục trưởng Cục Thú y, đối với thịt gà và thịt gà chế biến, ngoài việc tiếp tục xuất khẩu sang Nhật Bản, Cục cũng đang đàm phán để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các mặt hàng như bột cá, bột lông vũ và nhiều sản phẩm khác rất có tiềm năng xuất sang thị trường này. Riêng bột cá, hiện có 78 doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, đơn cử như Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp đang xuất khẩu bột cá số lượng lớn sang Trung Quốc.

Cũng liên quan đến việc Trung Quốc chuẩn bị mở cửa biên giới vài ngày tới, ông Bá Anh - đại diện Tổng cục Thuỷ sản cho biết: Những năm vừa qua xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc nói chung thuận lợi là nhờ từ năm 2004, chúng ta đã kí hợp tác xuất khẩu thuỷ sản với Trung Quốc. 

Hiện Trung Quốc công nhận 802 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, tương tự, chúng ta cũng chấp thuận cho 780 doanh nghiệp thuỷ sản của Trung Quốc vào Việt Nam. Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc tăng gấp đôi, dù gặp chính sách zero COVID-19.

"Đối với việc nước bạn mở cửa biên giới, các mặt hàng thuỷ sản sẽ càng thuận lợi hơn, đặc biệt là thuỷ sản tươi sống như tôm hùm, tôm thẻ, cua ghẹ..., bởi các nhà hàng, quán ăn Trung Quốc mở cửa thì sẽ tiêu thụ mạnh thuỷ hải sản tươi sống. Thêm vào đó, trước đây hàng phải đi đường biển, nay có thể đi đường bộ, hàng hoá sẽ được xuất sang nước bạn nhanh hơn" - ông Bá Anh thông tin.  

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Trung Quốc là thị trường tiềm năng với 1,4 tỉ dân, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu nên còn nhiều tiềm năng, dư địa. Vì vậy, Thủ tướng đã rất quan tâm, có chỉ đạo để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sang Trung Quốc.

Nhờ vậy, trong năm 2022 khi quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, bằng nhiều biện pháp nỗ lực, chỉ trong một tháng đã đạt tăng trưởng 4.100%. Tới đây, nhiều sản phẩm sẽ tiếp tục được đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhờ vào việc ký kết các nghị định thư.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem