Trung Quốc mở cửa sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023?

03/01/2023 07:48 GMT+7
Theo các chuyên gia việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam. Bên cạnh đó, đầu tư công và chính sách tiền tệ là yếu tố quyết định đến tăng trưởng GDP của nước ta.

Hai yếu tố tác động lớn đến CPI năm 2023

Tại Talk Show với Chủ đề: Tìm cơ hội năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Phân tích Công ty CK Thành Công cho rằng, lạm phát là rủi ro rất lớn trong năm 2022, chủ yếu do giá hàng hóa tăng lên, việc bơm tiền từ đợt Covid cũng làm cho xu hướng giá hàng hóa tăng lên rất mạnh. Đó là nguyên nhân khiến một số khu vực, quốc gia lớn như Mỹ tăng tới 9% và châu Âu tình hình lạm phát vẫn rất căng thẳng, một số quốc gia khác tăng lên trên 10%. Từ đó đã làm cho chính sách tiền tệ của một số Ngân hàng Trung ương thắt chặt lại và khá là rủi ro.

Ông Trung cho biết, trước đây, Việt Nam thường có độ trễ, tức lạm phát toàn cầu đi trước và sau đó khoảng 6 tháng – 1 năm lạm phát nước ta mới tăng. Điều này đã diễn ra vào tháng 10/2022 và tháng 11/2022, lạm phát bắt đầu vượt 4% so với cùng kỳ, tháng 11 lên khoảng 4,3% - vượt mục tiêu Chính phủ. Tuy nhiên, cả 11 tháng, lạm phát nước ta vẫn khoảng 3%, trong năm nay lạm phát ở dưới mức 4% - đạt mục tiêu của Chính phủ.

Năm 2023, nhìn vào tỷ trọng lạm phát, tức tỷ trọng cấu thành CPI của Việt Nam, cấu thành lớn là giá thực phẩm, trong đó giá thịt lợn là chìa khóa. Trong 11 tháng, lạm phát Việt Nam thấp hơn thế giới là do giá thịt lợn giảm 12%.

Theo dự đoán của ông Trung, giá thịt lợn năm 2023 không có quá nhiều đột biến, chắc chắn sẽ tăng nhưng ở mức không quá lớn.

Trung Quốc mở cửa sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023? - Ảnh 1.

Hai diễn giả tại Talk Show với Chủ đề: Tìm cơ hội năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức.

Trọng số thứ hai là giá xăng sẽ tác động rất lớn đến lạm phát Việt Nam năm 2023. Theo báo cáo của các tổ chức lớn trên thế giới về giá năng lượng năm 2023, ai cũng đánh giá nếu tính bình quân giá dầu 2023 chắc chắn sẽ thấp hơn 2022.

"Giá thịt lợn không phải là vấn đề và giá hàng hóa có thể thấp hơn năm 2022, tôi thấy rằng lạm phát 2023 có thể vẫn nằm trong mục tiêu dưới 4%. Tuy nhiên, áp lực sẽ xảy ra khá nhiều trong quý I, chắc chắn khi công bố vào tháng 1 -2 -3, lạm phát sẽ tăng trên 4 -5%. Nếu nhìn vào giá máy bay năm ngoái khá thấp, tuy nhiên dần dần cuối năm, lạm phát sẽ hạ xuống, hy vọng năm sau Việt Nam sẽ có mức lạm phát vừa phải, đạt mục tiêu Chính phủ đề ra. Từ mức lạm phát như vậy, chính sách tiền tệ sẽ ủng hộ hơn cho kênh đầu tư", ông Trung nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Founder FinPeace cho rằng, năm 2023, Trung Quốc mở cửa sẽ làm giá quay trở về giá trung bình, câu chuyện xu thế sẽ không quá tích cực hay tiêu cực. CPI đầu năm có thể tăng nhưng sẽ co hẹp về cuối năm. 

Ông Tuấn Anh cho rằng, CPI không tăng mới là điều đáng lo. Giá dầu sẽ không vượt đỉnh, sẽ quay trở về trung bình. Ông Tuấn Anh cho rằng, hãy bàn về câu chuyện đầu tư làm sao để tăng trưởng lợi nhuận cao chứ không phải lo sợ về lạm phát.

Trung Quốc mở cửa có thể tác động trực tiếp đến GDP Việt Nam trong năm 2023 

Bàn luận về tăng trưởng GDP cho 2023, ông Trung cho biết, ngày 26/12, Trung Quốc đã đưa ra thông điệp có thể sang đầu năm 2023, zero Covid sẽ dễ dàng hơn, có nghĩa là những hành khách đến với Trung Quốc có thể sẽ không bị cách ly. Đó là những tín hiệu tích cực cho những thị trường đặc biệt là thị trường xuất nhập khẩu. 

Trước năm 2019, du lịch chiếm khoảng 10% GDP Việt Nam, tuy nhiên khi Covid diễn ra, khách du lịch Trung Quốc không thể đến nước ta. Nếu chính sách này được mở và mở rộng hơn, khách du lịch Trung Quốc sẽ sang Việt Nam  là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP cho Việt Nam trong năm sau. 

"Đó là tin rất quan trọng, là chủ đề rất được nhà đầu tư quan tâm. Ngoài ra, theo thống kê của một số tổ chức nước ngoài, lượng khách du lịch tìm kiếm chuyến bay quốc tế tăng gấp 2,3 lần trong 10 ngày trở lại đây. Đây là tín hiệu chắc chắn sẽ tác động tích cực đến Việt Nam và ngành công nghiệp phân phối chắc chắn sẽ tác động đến GDP của Việt Nam", ông Trung nói

Ông Trung cho biết thêm, mới đây nhiều chuyên gia trong tổ tư vấn kinh tế quốc gia đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 6,5% cho năm sau. Dựa trên 2 kịch bản, thứ nhất là về công cụ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Để đạt được mục tiêu 6,5% đầu tiên là đầu tư công cũng quan trọng như Trung Quốc mở cửa.

Ông Trung cho rằng, để đạt được mục tiêu đó, đầu tư công phải được thúc đẩy và giải ngân cho năm 2023. Nhìn lại 2022, đầu tư công chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch để ra đầu năm của Chính phủ. Dù có tăng trưởng so với năm 2021 nhưng được xem là năm không đạt chỉ tiêu giải ngân đầu tư công. Hy vọng sang năm 2023, đầu tư công sẽ được thúc đẩy trở lại và từ đó là cú hích tác động đến tăng trưởng GDP Việt Nam.

Về chính sách tiền tệ, đây là vấn đề đang hạn chế việc tăng trưởng của Việt Nam khi lãi suất điều hành hay lãi suất khác như lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của nhiều NH đã tăng rất đáng kể trong 6 tháng cuối năm. Đây là điểm nghẽn cho tăng trưởng.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn về lạm phát như nhận định trước đó, lạm phát đầu năm có thể bị áp lực, nhưng dần dần cuối năm lạm phát đỡ hơn, từ đó chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng hơn, từ đó sẽ có động lực cho 6 tháng cuối năm tăng trưởng.

Để đạt được mục tiêu 6,5% cho năm sau, mình cần đạt được điều kiện đấy, thứ nhất là chính sách tài khóa là giải ngân đầu tư công đạt kế hoạch đề ra; chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm, lãi suất sẽ không tăng nữa, có thể đi ngang hoặc giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó mục tiêu 6,5% có thể đạt được.

Ông Tuấn Anh cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức từ 6 - 7% thì khá là khả thi. Vị chuyên gia này cho rằng, khối doanh nghiệp tư nhân cần phải thể hiện sức mạnh là lúc này. "Bởi động lực kéo chính là họ, họ cần thể hiện được mức tăng trưởng vượt trội để thấy được thị phần, ở đâu đó chúng tôi tin rằng sẽ xuất hiện vài ngôi sao kéo thị trường lên", ông Tuấn Anh nói.


An Vũ
Cùng chuyên mục