Trung Quốc phê chuẩn RCEP trước thời hạn 3 tháng, ngỏ ý tiếp tục gia nhập CPTPP

09/03/2021 18:29 GMT+7
Trung Quốc đang kêu gọi các quốc gia thành viên khác sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP sau khi Quốc hội Bắc Kinh thông qua Hiệp định trước thời hạn 3 tháng.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP với 15 quốc gia thành viên được ký kết vào giữa tháng 11/2020 tại Hà Nội. Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua Hiệp định và đẩy nhanh các công tác chuẩn bị kỹ thuật cần thiết để đảm bảo hiệp ước đi vào thực tiễn sớm nhất với quy trình cắt giảm thuế quan và chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa thương mại suôn sẻ nhất.

“Hiệp định có hiệu lực càng nhanh, người dân của các nước thành viên càng sớm được hưởng lợi” - trích tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao hôm 8/3, ngay sau khi RCEP được thông qua tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) ở Bắc Kinh.

Trung Quốc phê chuẩn RCEP trước thời hạn 3 tháng, ngỏ ý tiếp tục gia nhập CPTPP - Ảnh 1.

Trung Quốc phê chuẩn Hiệp định RCEP trước thời hạn 3 tháng

Cho đến nay, RCEP là một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự tham gia của 10 quốc gia thuộc ASEAN cùng với 5 nền kinh tế lớn khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Hiệp ước thương mại RCEP dự kiến sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường phạm vi ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á - một khu vực ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ Trung không có dấu hiệu giảm nhiệt. RCEP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 quốc gia thành viên ngoài ASEAN phê chuẩn Hiệp định.

Ông He Ping, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) cho biết việc chính phủ Bắc Kinh nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định RCEP là một động thái nhằm thúc đẩy các nước khác đẩy nhanh tiến trình phê duyệt.

Quá trình thông qua RCEP của Úc dự kiến sẽ đặc biệt khó khăn vì Canberra hiện đang bị cuốn vào cuộc tranh chấp thương mại kéo dài với Bắc Kinh.

Còn tại Singapore, các quan chức nước này hồi tháng 11/2020 cho hay thỏa thuận sẽ được phê duyệt sớm trong vài tháng tới.

Quốc hội Nhật Bản cũng đang xem xét việc phê duyệt thỏa thuận RCEP. Theo ông He Ping, dự kiến việc thông qua RCEP cũng không gặp trở ngại lớn nào từ các nước ASEAN khác. Trong trường hợp được thông qua sớm, Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực vào khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm 2022.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì thể chế thương mại đa phương. Chúng tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy điều này thông qua phê duyệt và thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP cũng như ký kết Hiệp định toàn diện về đầu tư Trung Quốc - EU” - trích lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cuối tuần trước trong cuộc họp thường ngày của chính phủ tại Bắc Kinh. “Chúng tôi sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán thương mại tự do với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc cũng sẽ tích cực xem xét việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP”.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP ban đầu được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Mỹ. Nhưng khi ông Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ thay người tiền nhiệm Obama, ông này đã rút Mỹ khỏi TPP vào tháng 1/2017. Sau đó, Hiệp định đã được chỉnh sửa và phê duyệt bởi 11 thành viên còn lại bao gồm Việt Nam,đồng thời đổi tên thành CPTPP. Hiệp định có hiệu lực vào cuối năm 2018.

Hồi tháng 11 năm ngoái, phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng từng tuyên bố Bắc Kinh sẽ “xem xét việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)". Một quan chức cấp cao khác của Bắc Kinh là phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cũng khẳng định Trung Quốc có thái độ “cởi mở và tích cực” với việc xem xét gia nhập Hiệp định TPP. Nếu Trung Quốc thực sự tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương TPP, nước này sẽ trở thành thành viên của hai Hiệp định thương mại lớn nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong khi Mỹ không có tên trong cả hai.


NTTD
Cùng chuyên mục