Trung Quốc siết dần tín dụng, gây áp lực cho giá hàng hóa toàn cầu

24/05/2021 15:15 GMT+7
Nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc có thể đang chững lại, với tác động tiềm năng lan rộng ra toàn cầu.

Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch đã được thúc đẩy bởi các chính sách tăng cường tín dụng và các gói chi tiêu chính phủ cho cơ sở hạ tầng. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc đã chi 150 tỷ USD cho dầu thô, quặng sắt và quặng đồng từ mức 36 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu gia tăng và giá cả tăng cao là hai nguyên nhân chính khiến con số đội lên cao như vậy.

Khi giá hàng hóa toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục, các quan chức chính phủ Trung Quốc đang cố gắng kiềm chế giá cả và giảm bớt một số cơn bão đầu cơ vốn đang thúc đẩy thị trường. Lo lắng về bong bóng tài sản, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC cũng đã chậm rãi hạn chế dòng tiền chảy vào nền kinh tế kể từ năm ngoái. Đồng thời, nguồn vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng cũng có dấu hiệu chậm lại.

Trung Quốc siết dần tín dụng, gây áp lực cho giá hàng hóa toàn cầu - Ảnh 1.

Trung Quốc siết dần tín dụng, giá hàng hóa toàn cầu nguy cơ biến động

Dữ liệu kinh tế cho tháng 4 cho thấy cả mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và động lực tín dụng - tức tín dụng mới tính trên tỷ lệ phần trăm GDP - có thể đã đạt đỉnh. Tác động rõ ràng nhất của việc Trung Quốc siết nguồn tín dụng sẽ rơi vào những kim loại, nguyên liệu thô chủ chốt trong xây dựng cơ sở hạ tầng như đồng, nhôm, thép, quặng sắt.

Alison Li, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kim loại cơ bản tại Mysteel (Thượng Hải) cho biết: “Tín dụng là động lực chính cho đà tăng của giá hàng hóa và chúng tôi tính toán giá sẽ đạt đỉnh khi tín dụng đạt đỉnh… Tất nhiên, chúng tôi đang đề cập tới tín dụng trong bức tranh toàn cầu. Nhưng cần nhớ rằng tín dụng Trung Quốc chiếm một phần lớn trong bức tranh đó, đặc biệt là tín dụng để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và bất động sản”.

Việc Trung Quốc giảm dòng tín dụng có thể tạo tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đe dọa đà tăng của giá dầu toàn cầu. Hao Zhou, chuyên gia kinh tế cấp cao về các thị trường mới nổi tại Commerzbank AG cho biết: “Sự suy giảm tín dụng sẽ có tác động tiêu cực đến nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc. Dù rằng cho đến nay, các khoản đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng vẫn chưa cho thấy sự giảm tốc rõ ràng. Nhưng chúng có xu hướng giảm xuống trong nửa cuối năm nay ”.

Nguy cơ nhu cầu giảm tại Trung Quốc nghĩa là đà tăng của thị trường hàng hóa toàn cầu giờ đây sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ phục hồi của các nền kinh tế phương Tây như Mỹ và châu Âu.

Bà Alison Li viện dẫn một ví dụ về việc nhu cầu kim loại giảm tốc, đó là mặt hàng đồng đã qua tinh chế. Tại cảng Yangshan, phí bảo hiểm cho kim loại này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm nay khi nhu cầu suy giảm.

Đối với nông nghiệp, thắt chặt tín dụng có thể không gây tác động lớn. Nguyên nhân là trong dài hạn, các công ty quốc doanh có xu hướng tiếp tục nhập khẩu ngũ cốc để bù đắp sự thiếu hụt trong nước, bổ sung vào kho dự trữ nhà nước cũng như đáp ứng cam kết trong thỏa thuận thương mại đã ký với Mỹ.


NTTD
Cùng chuyên mục