Trung Quốc: Xuất khẩu tháng 5 tăng trưởng hai con số

10/06/2022 06:38 GMT+7
Nhiều quy định phòng dịch được nới lỏng tạo điều kiện cho công tác xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Xuất khẩu của Trung Quốc bật tăng trong tháng 5 sau khi nhiều quy định phòng dịch Covid-19 khắt khe, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất và vận tải, được nới lỏng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo đà tăng trưởng này thiếu đi tính bền vững trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa tiêu dùng đang có xu hướng giảm xuống.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế số 2 thế giới tăng 16,9% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng 3,9% ghi nhận trong tháng 4 và dự báo tăng 8% của các chuyên gia phân tích. Kim ngạch nhập khẩu tăng 4,1% sau khi không tăng trưởng trong tháng trước.

Trung Quốc: Xuất khẩu tháng 5 tăng trưởng hai con số - Ảnh 1.

Dữ liệu xuất khẩu (đường màu hồng), nhập khẩu (đường màu xanh) và thặng dư thương mại (cột đen) của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Lạm phát cao tại Mỹ và châu Âu khiến người dân phải “thắt lưng buộc bụng”. Trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ghi nhận sự sụt giảm số lượng đơn hàng khi người tiêu dùng chuyển hướng sang chi tiêu nhiều hơn cho lĩnh vực dịch vụ, dữ liệu mới được công bố, cùng với đó là dữ liệu kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, cho thấy nhu cầu thị trường vẫn tương đối ổn định trong tháng 5.

“Chúng tôi luôn tin rằng Trung Quốc có thể nhanh chóng giải quyết tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, những gì diễn ra trên thực tế vượt mọi kỳ vọng lạc quan nhất của chúng tôi”, theo Wei Yao, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương kiêm Kinh tế trưởng tại Societe Generale SA.

“Mối quan tâm hiện tại là nhu cầu thị trường trong bối cảnh người tiêu dùng tại các quốc gia phương Tây đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát leo thang và chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ. Nhu cầu hàng hóa xuất khẩu có thể giảm trong thời gian tới, đồng nghĩa với việc vài trò của quá trình phục hồi nhu cầu nội địa càng trở nên quan trọng dù Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược zero Covid”, Wei nhận định.

Đóng góp giảm

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng 30% trong năm 2021 và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh thị trường bất động sản lao dốc. Tuy nhiên, trong năm nay, xuất khẩu được dự báo sẽ đóng góp ít hơn vào tăng trưởng nền kinh tế số 2 thế giới, vốn đang phải đối diện với một loạt khó khăn cả trong và ngoài nước. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2022 được dự báo thấp nhất nhiều thập kỷ khi thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, bên cạnh đó là chiến lược phòng dịch zero Covid ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Xuất khẩu vẫn sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, nhưng với tỷ lệ thấp hơn so với năm 2021”, theo Betty Wang, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc cấp cao tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd (ANZ). Bà dự báo mức đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng ở ngưỡng dưới 1%.

Wang Shouwen, Thứ trưởng Bộ Thương Mại Trung Quốc, cũng đưa ra cảnh báo về rủi ro bất ổn thương mại. Trong phiên họp báo tổ chức ngày 9/6, ông nhấn mạnh quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu tương đối “mỏng manh” trong bối cảnh giá cả leo thang trên quy mô toàn cầu và xung đột địa chính trị. Bên cạnh đó, nhiều nút thắt chuỗi cung ứng trong nước vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, ông tự tin Trung Quốc có thể giữ vững tốc độ tăng trưởng thương mại trong năm nay.

Cũng trong ngày 9/6, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chủ trì phiên họp Quốc vụ viện. Tại đây, ông kêu gọi gia tăng các biện pháp hỗ trợ đối với thương mại quốc tế và đầu tư, theo Xinhua. Ông hối thúc các bên liên quan cải thiện mức độ hiệu quả công tác bốc, dỡ hàng hóa, chuyển tàu và quá trình giải quyết thủ tục hải quan. Ông cũng kêu gọi duy trì sự ổn định trong các chuỗi cung ứng, tháo gỡ khó khăn mà các doanh nghiệp nước ngoài gặp phải trong quá trình quay trở lại sản xuất.

Trong ngày 8/6, Bộ trưởng Thương mại Janet Yellen phát biểu tại Thượng viện rằng chính quyền tổng thống Joe Biden đang cân nhắc điều chỉnh mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, bà chỉ tiết lộ những thay đổi có thể được thực hiện trong “một vài tuần tới và không cung cấp một khung thời gian cụ thể.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Shu Jueting cho biết việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc và Mỹ mà còn cả thế giới trong bối cảnh lạm phát leo thang.

“Chủ đề thuế quan được đưa ra bàn thảo trong nhiều cuộc họp, tuy nhiên quyết định cuối cùng sẽ không sớm được đưa ra”, Wang, tới từ ANZ, nhận định. Ông bổ sung rằng Mỹ có thể sẽ không dỡ bỏ tất cả các loại thuế nhắm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo NDH
Cùng chuyên mục