Trước giờ "G", ngân hàng nào đang "làm mưa làm gió" trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

20/08/2020 14:29 GMT+7
Việc siết chặt quy định phát hành kể từ 1/9, khiến các doanh nghiệp phải tăng tốc phát hành trái phiếu trong quý II/2020 nhằm kịp huy động vốn trước khi các điều kiện phát hành bị siết. Trong nhóm ngân hàng, BIDV trở thành đơn vị phát hành trái phiếu nhiều nhất với 15,2 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Số liệu được khối phân tích của Công ty Chứng khoán SSI tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và các doanh nghiệp cho thấy, trong quý II/2020, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành là 122,3 nghìn tỷ đồng, tăng tới 69,7% so với cùng kỳ năm 2019. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm là 171,5 nghìn tỷ đồng, tăng 61,3% so với 6 tháng năm 2019.

Bất động sản dẫn đầu làn sóng phát hành trái phiếu

Trong đó, đứng đầu thị trường về phát hành trái phiếu là nhóm doanh nghiệp bất động sản khi phát hành tổng cộng 71.600 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57,5% so với cùng kỳ năm 2019. 

Thống kê của SSI Reseach gọi tên 5 doanh nghiệp top đầu lần lượt là Vinhomes, TNR Holdings, CTCP Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL, Mặt trời Hạ Long, Sài Gòn Glory, Đầu tư và Phát triển Golf Bình Hải. Trong đó, Vinhomes và TNR Holdings để lại khoảng cách xa về giá trị huy động qua trái phiếu, so với các doanh nghiệp còn lại, với lần lượt 12.000 tỷ đồng và 8.000 tỷ đồng đã được các trái chủ bỏ tiền thành công.

Trước giờ "G", ngân hàng nào đang "làm mưa làm gió" trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Đứng thứ hai là nhóm ngân hàng, với tổng giá trị phát hành là 47,3 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng 27,6% và tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, 98% số trái phiếu phát hành tập trung trong quý II/2020; khoảng 67% là các trái phiếu 2 - 3 năm có lãi suất cố định, chỉ 33% là các trái phiếu dài hạn 7 - 15 năm có lãi suất thả nổi.

Theo tính toán, kỳ hạn bình quân của trái phiếu do các ngân hàng phát hành là 4,55 năm - dài hơn mức 4,12 năm của năm 2019 và lãi suất bình quân 6,68%/năm - thấp hơn mức lãi suất 7,04%/năm của năm 2019.

BIDV - "quán quân" dẫn đầu ngành ngân hàng trong cuộc đua phát hành trái phiếu

Thống kê cũng cho thấy, có 3/11 ngân hàng có kỳ hạn trái phiếu bình quân trên 5 năm, bao gồm BIDV, VietinBank và ACB. Lãi suất các khoản trái phiếu kỳ hạn dài đều trội hơn hẳn, ở mức 7,5 - 8,5%/năm.

BIDV tiếp tục là ngân hàng phát hành nhiều nhất với 15,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 6 đến 15 năm - đều là những trái phiếu đủ tiêu chuẩn để tính vào vốn cấp 2 và BIDV đều có quyền mua lại trước hạn sau 1 - 5 năm, riêng các trái phiếu 15 năm là sau 10 năm kể từ ngày phát hành. Nếu BIDV không thực hiện quyền mua, lãi suất các kỳ sau sẽ bật lên rất cao.

Trước giờ "G", ngân hàng nào đang "làm mưa làm gió" trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 2.

Nếu tính theo kỳ hạn thực hiện quyền mua, số trái phiếu của BIDV phát hành trong 6 tháng đầu năm 2020 có kỳ hạn bình quân chỉ là 2,34 năm. Lãi suất bình quân kỳ đầu tiên 7,45%/năm – cao hơn lãi suất tiền gửi gần 2% và các kỳ sau cũng cộng thêm biên độ từ 0,6-1,2%/năm.

Xếp sau BIDV là 2 ngân hàng tư nhân HDBank và VPBank với lượng trái phiếu phát hành lần lượt đạt 8.500 tỷ đồng và 7.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm với kỳ hạn bình quân từ 2,83 - 3 năm, lãi suất từ 5,93% - 6,06%.

VIB, TPBank và OCB là những ngân hàng có lượng phát hành trái phiếu từ 3.000 tỷ đồng đến dưới 4.000 tỷ đồng trong 6 tháng qua. Nhóm ngân hàng này cũng chủ yếu phát hành trái phiếu kỳ hạn 2-5 năm, lãi suất 5,9-6,88%/năm.

Ở hướng ngược lại, đại dịch Covid-19 khiến việc cho vay của các ngân hàng trên thị trường 1 trở nên khó khăn, vì vậy thanh khoản luôn trong trạng thái dồi dào.

Theo đó, trái phiếu trở thành kênh đầu tư ưa thích của nhiều thành viên ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt là trái phiếu bất động sản và trái phiếu của các doanh nghiệp năng lượng.

Theo số liệu tổng hợp, trong 6 tháng đầu năm 2020, các ngân hàng đã mua vào tổng cộng 38,4 nghìn tỷ đồng TPDN của các tổ chức phi tín dụng trên thị trường sơ cấp, tương đương 31% tổng lượng phát hành (loại trừ ngân hàng) của toàn thị trường.

Siết chặt phát hành trái phiếu từ 1/9/2020

Theo nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, sở dĩ lượng TPDN phát hành tăng vọt trong quý II/ 2020 là do nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mạnh sau thời gian "giãn cách xã hội", trong khi các ngân hàng sẽ thắt chặt điều kiện cho vay hơn.

"Với tác động của dịch Covid-19, chúng tôi đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên, điều kiện cho vay của ngân hàng sẽ có xu hướng thắt chặt, hạn chế rủi ro nợ xấu. Do đó, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại, chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng huy động vốn qua kênh trái phiếu" – báo cáo của Mirae Asset nhận định.

Trong khi đó, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thì dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể vẫn tăng nóng trong quý III nhưng sẽ hạ nhiệt trong quý IV/2020.

Trong đó, việc siết chặt quy định phát hành TPDN kể từ 1/9 theo Nghị định 81 khiến các doanh nghiệp phải tăng tốc phát hành trái phiếu trong quý II/2020 nhằm kịp huy động vốn trước khi các điều kiện phát hành bị siết.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục