TS Lê Đăng Doanh: Covid-19 có thể làm kinh tế Việt Nam mất 1% GDP

03/03/2020 11:22 GMT+7
Theo TS Lê Đăng Doanh, dịch bệnh do Covid-19 sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và lan tỏa lâu dài nên khó khăn sắp tới của các doanh nghiệp (DN) là rất lớn. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị giảm sút khoảng 1% GDP.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.

Mục tiêu xuất nhập khẩu gặp nhiều trở ngại

-Thưa ông, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang rất nghiêm trọng, tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế. Theo ông đánh giá, liệu các mục tiêu, chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 được Quốc hội giao có phải điều chỉnh vì Covid-19?

TS Lê Đăng Doanh: Không chỉ có Việt Nam, nền kinh tế toàn cầu cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Các tổ chức như Goldman Sachs, Moody’s, Coface, BNP Paribas Cadif, International SOS đã đưa ra dự báo, dịch bệnh này có thể khiến GDP toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 0,3-0,7 điểm phần trăm tùy thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh (do Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chiếm tỷ trọng khoảng 17% GDP toàn cầu và đóng góp khoảng 33% tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu)… Mới đây nhất, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự báo kém lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020. Hiện, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP từ 3,4% vào hồi tháng 10/2019 xuống 3,3%.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện mới tạm hoãn chứ chưa phải giải quyết được và sẽ còn tác động đến tình hình kinh tế toàn cầu. Thế nên, dù khi Covid-19 được kiểm soát thì những ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung vẫn tiếp tục tái diễn.

Với Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã và đang làm cho kinh tế nước ta bị tác động nhiều mặt. Đó là ảnh hưởng về du lịch, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn, nhập khẩu đang gặp nhiều vướng mắc, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vướng vào phụ tùng, linh kiện nguyên liệu, vật liệu đầu vào. Chẳng hạn như ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 50-60% giá trị của sản phẩm của ta, bây giờ phải thay thế thế nào là vấn đề không dễ dàng. Không chỉ có dệt may, nhiều ngành nghề khác như: Cơ khí, chế biến, chế tạo... cũng đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, phụ tùng, linh kiện để sản xuất.

Do đó, khả năng hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 được Quốc hội giao là rất khó khăn, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu các quý và cả năm 2020. Theo tôi, có thể sắp tới các mục tiêu, chỉ tiêu này sẽ phải điều chỉnh. Tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị giảm sút khoảng 1% GDP.

-Theo ông, doanh nghiệp phải xoay sở ra sao để tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu được kiểm soát?

TS Lê Đăng Doanh: Trong bối cảnh này, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu được xem là giải pháp cấp bách cho kinh tế Việt Nam. Cách tốt nhất với Việt Nam lúc này là cố gắng duy trì sản xuất. Nhìn rộng hơn, khi sản xuất tại Trung Quốc bị đình trệ vì dịch bệnh, nguồn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào các nước sụt giảm, đây sẽ là cơ hội cho hàng Việt Nam lấp chỗ trống. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhanh nhạy điều chỉnh kế hoạch, chiến lược để tăng chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất, tăng xuất khẩu. Nếu làm tốt, về lâu dài, Việt Nam có thể thay thế một số mặt hàng của Trung Quốc.

Ở góc độ các DN, phải quán triệt rằng, Covid-19 là một thử thách – một thử thách rất đau đớn, nhưng DN hãy coi đó là cơ hội để liên kết lại với nhau và cùng đứng dậy. Chúng ta vẫn còn nhà xưởng máy móc người lao động vấn đề là phải sáng tạo để có những phương án vượt qua thách thức… Bởi, tác động tiêu cực này chủ yếu sẽ diễn ra trong quý I và quý II/2020, khi dịch bệnh được dự báo là cao điểm, lắng xuống và có độ trễ sau đó chứ không phải là sẽ kết thúc trong một sớm một chiều.

Cơ hội để “thoát Trung”?

-Nhiều ý kiến cho rằng, Covid-19 là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam “thoát Trung”, ông có ý kiến gì về nhận định này?

TS Lê Đăng Doanh: Nền kinh tế của chúng ta xưa nay phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Chúng ta nhập khẩu nhiều hàng hóa, máy móc, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Đặc biệt, máy móc dùng trong sản xuất, nguyên phụ liệu ngành dệt may, hóa chất... Ở chiều ngược lại, ta cũng phụ thuộc thị trường này khi có đến 80% quả thanh long, dưa hấu xuất sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh đó là tcác loại nông sản khác.. Thế nên, tình hình hiện nay có thể ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhưng hãy coi đây là cơ hội thay đổi cơ cấu, thành phần, ngành sản xuất… để ít nhất là không còn quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Còn nói thoát khỏi phụ thuộc thì là chuyện còn rất xa. Nên nhớ, chúng ta hiện đang nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc, xuất khẩu thô lớn nhất cũng sang thị trường này. Phụ thuộc đến mức quên phản xạ phải “khó tính” hơn trong làm ăn sản xuất. Nếu cứ phụ thuộc xuất thô qua đường tiểu ngạch theo hình thức mua bán tại chợ, tiền mặt trao tay như trái thanh long, dưa hấu sang Trung Quốc hiện nay, làm sao chúng ta nói việc hiện đại hóa, đa dạng hóa, công nghệ cao sản phẩm nông nghiệp được?

Tóm lại, theo tôi Covid-19 là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi. Hãy nhìn vào yếu tố tích cực dịch Covid-19. Sản xuất tại Trung Quốc không chỉ bị đình trệ, ảnh hưởng trong quý 1 và 2 mà sẽ kéo dài hết năm, có thể lan sang năm sau. Như vậy, DN Việt phải một mặt đa dạng hóa thị trường mua nguyên vật liệu lẫn thị trường xuất khẩu. Mặt khác, phải tái cơ cấu sản xuất, không thể cứ ngồi ngoài sân chơi sản xuất của toàn cầu mãi nữa.

Cách tốt nhất là nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn thế giới, đừng để cơ hội này rơi vào tay các nhà cung ứng ngoại.

-Có vẻ như, tình hình khá ảm đạm khi Covid-19 diễn biến phức tạp, rồi mới đây nhất, Mỹ đã loại Việt Nam ra khỏi danh sách “các nước đang phát triển”, theo ông sắp tới triển vọng của kinh tế Việt Nam có còn cơ hội tăng trưởng?

TS Lê Đăng Doanh: Dù Covid-19 hay việc Mỹ loại Việt Nam khỏi danh sách các nước đang phát triển đang và sẽ ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội tăng trưởng, phát triển bởi Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) được Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu thông qua, Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu, đầu tư nước ngoài cũng được đẩy mạnh hơn.

Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích, cơ hội rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, EVFTA mang lại cơ hội lớn đối với nhóm nông sản, lâm sản, thủy sản nhiệt đới Việt Nam như gạo, đường, thịt gia súc, gia cầm, trái cây, cao su, tiêu, điều, cà phê, đồ gỗ... do được hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên.

Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, ngành nông nghiệp Việt Nam phải chuyển hướng sang canh tác bền vững, đạt chứng nhận quốc tế; có sự phối hợp và kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà phân phối tại EU, từ đó làm gia tăng giá trị nông sản xuất khẩu.

-Nhưng muốn tận dụng các cơ hội từ EVFTA, các DN Việt Nam chắc chắn còn phải làm nhiều việc?

TS Lê Đăng Doanh: Đương nhiên rồi, EVFTA là bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập của Việt Nam, do đó doanh nghiệp nên nắm vững những nội dung liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, phân tích SWOT (cơ hội-thách thức). Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghiên cứu thị trường EU để tận dụng cơ hội tham gia chuỗi giá trị, tiến tới hợp tác dài hạn ổn định với những quốc gia trong khu vực này.

Điều đáng mừng là trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp vận dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển sang kinh tế số, thương mại điện tử... đã cho thấy những hướng đi bền vững cho tương lai. Hay một số doanh nghiệp Việt có sáng kiến bánh mỳ thanh long, bánh mỳ dưa hấu, nhân sầu riêng... là tín hiệu tích cực đã góp phần trợ giúp kịp thời và nâng cao giá trị cho hàng hóa Việt Nam, nhất là những mặt hàng nông sản, thực phẩm…

Xin cảm ơn ông!

Quốc Hải
Cùng chuyên mục