TS. Võ Trí Thành: EVFTA - Đường cao tốc tạm thời chưa thể thông xe
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 sau hơn 9 năm đàm phán. Hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho quan hệ thương mại Việt Nam - EU.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, 84% các dòng thuế, chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm xuống mức 0%. Sau 7 năm, 99,2% các dòng thuế, chiếm 99,7% xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam.
Tuy nhiên, EVFTA có hiệu lực đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang có những tác động nặng nề lên kinh tế thế giới. Xuất nhập khẩu giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy đặt ra những vấn đề mới, thách thức mới. Vậy, EVFTA có còn đat được những kỳ vọng như ban đầu? Chính phủ và doanh nghiệp cần làm gì để thích ứng trong bối cảnh mới?
Để trả lời những vấn đề trên, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia Kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.
Xin ông cho biết, tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đến Việt Nam?
TS. Võ Trí Thành: Hiệp định EVFTA mang đến 4 tác động cơ bản với Việt Nam.
Đầu tiên, EVFTA sẽ mang đến cho Việt Nam những cơ hội mới cho xuất khẩu, thương mại, kinh doanh; là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Việt Nam cũng trở nên hấp dẫn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, mang tính khuyến khích đầu tư vào Việt Nam. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong hiệp định EVIPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch. Từ đó, đưa Việt Nam thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn cho các công ty châu Âu ở Đông Nam Á.
Thứ 3, EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực về mọi mặt. EVFTA làm giảm rào cản thương mại, thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trên tất cả các ngành nghề và lĩnh vực. Cùng với những đòi hỏi, EVFTA giúp Việt Nam hiện đại hóa khung pháp lý, củng cố môi trường thương mại và đầu tư, nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm.
Thứ 4 là lộ trình giảm thuế và cam kết cắt giảm thuế trong EVFTA cũng sẽ mang đến cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Các quy định về thuế trong EVFTA chính là động lực cho Việt Nam hưởng lợi không chỉ trong xuất khẩu, mà còn mở ra cơ hội cho Việt Nam nhập khẩu, tiếp cận với những loại máy móc, công nghệ hiện đại, tiên tiến của EU.
Vậy theo ông, ở điều kiện hiện tại, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên cả thế giới, những nhận định trên có còn phù hợp?
TS. Võ Trí Thành: Đây đúng là thời điểm chưa quá thích hợp nói về các cơ hội mà nền kinh tế Việt Nam sẽ tận dụng được từ EVFTA. Châu Âu đang trong giai đoạn “bế quan tỏa cảng” để chống dịch, tăng trưởng cũng như tổng cầu giảm và chưa biết còn những trắc trở nào, đường cao tốc tạm thời chưa thể thông xe.
Có thể nói là khó khăn với thị trường này đang lớn hơn nhiều thuận lợi, kể cả cơ hội mà EVFTA mang lại. Và chắc chắn, lúc này, những đánh giá về cơ hội, khả năng tận dụng cơ hội sẽ không như cách đây một vài tháng, chứ không nói đến việc so với kỳ vọng trước đó.
Nhưng ở góc nhìn thời hậu dịch và nhất là trung và dài hạn, EVFTA chắc chắn là cơ hội lớn với kinh tế Việt Nam. Đây là thời điểm mọi sự chuẩn bị vẫn phải được nhắc đến để việc tận dụng cơ hội là tốt nhất, cả từ phía Chính phủ, doanh nghiệp.
Chính phủ vẫn phải làm việc quan trọng nhất là cải cách thể chế, điều chúng ta kỳ vọng ở EVFTA như một chất xúc tác quan trọng. Lúc này, việc hoàn thiện thể chế không chỉ là để đáp ứng yêu cầu của các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, mà còn là đối sách để Việt Nam giảm thiểu khó khăn, duy trì tốt nhất có thể nhịp độ tăng trưởng trong một thế giới biến động...
Vậy trong bối cảnh này, doanh nghiệp nên làm gì, thưa ông?
TS. Võ Trí Thành: Sức mạnh của người Việt là "dĩ bất biến ứng vạn biến", tức là lấy cái bất biến, cái không thay đổi mà ứng phó với cái vạn biến, là cái luôn thay đổi. Tất nhiên, trong thời kỳ dịch bệnh thì ưu tiên đầu tiên vẫn là cầm cự, duy trì hoạt động, vượt qua khủng hoảng. Nhưng cùng với đó là chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới.
Doanh nghiệp cần nhận rõ xu thế của thế giới hiện nay là gì? Có 4 xu thế chính: Một là thế giới ngày càng bị chi phối nhiều hơn bởi chính trị, khoảng cách giữa các nước bị thu hẹp; hai là xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập là không thể thay đổi, nhưng bên cạnh đó nổi lên là chủ nghĩa bảo hộ, dân tộc cực đoan; ba là cách mạng công nghiệp lần thứ 4; và bốn là xu thế đô thị hóa, cách mạng tiêu dùng xanh, an toàn và cẩn trọng.
Từ đó đặt ra 5 yêu cầu với doanh nghiệp, một là yêu cầu sáng tạo sản phẩm mới và maketting; hai là thay đổi kỹ năng và cách ứng xử với người lao động để phù hợp với các FTA thế hệ mới; ba là thay đổi phương thức kinh doanh mới, chú trọng tới cơ sở dữ liệu, chuyển đổi sổ; bốn là lưu ý lựa chọn các lĩnh vực đầu tư kinh doanh theo xu thế; năm là đề cao quản trị rủi ro, quản trị bất định.
Doanh nghiệp hiện đại cần tư duy theo hướng nhận ra xu thế, tận dụng lợi thế, đau đáu sáng tạo, chia sẻ, kết nối và quản trị rủi ro.
Xin cảm ơn ông!