TT-Huế: Hơn 200 doanh nghiệp được đào tạo chuyên sâu về thương mại điện tử
Ngày 12/1, theo tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, qua hơn 1 năm thực hiện, chương trình "100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày" của tỉnh đã đạt hiệu quả tích cực, tạo động lực cho phát triển kinh tế số tại tỉnh.
Chương trình "100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày" của tỉnh Thừa Thiên Huế được triển khai nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tiếp cận và triển khai hiệu quả việc ứng dụng các công cụ hỗ trợ chuyển đổi số trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Mục tiêu cụ thể là lựa chọn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã đã đăng ký đảm bảo đa dạng theo 5 lĩnh vực (du lịch, nông nghiệp, sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống và sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin) để hỗ trợ chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, chương trình nhằm xây dựng kế hoạch thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số năm 2022 và giai đoạn 2022 – 2025 trên cơ sở năng lực, điều kiện của từng doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Qua tham gia chương trình, đã có hơn 800 lượt doanh nghiệp ở tỉnh được tham dự các lớp truyền cảm hứng về chuyển đổi số, đào tạo cơ bản về thương mại điện tử, hơn 200 doanh nghiệp được tham gia khóa đào tạo chuyên sâu về thương mại điện tử.
Đến nay đã có hơn 150 doanh nghiệp ở tỉnh tham gia và tạo thành group "Doanh nghiệp chuyển đổi số" để cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cùng nhau giải đáp thắc mắc liên quan kinh tế số, chuyển đổi số. Đây cũng là kênh truyền thông, kết nối đến từng doanh nghiệp về các hỗ trợ, giải đáp và thông tin các hoạt động, chương trình, hội thảo của các sở, ngành, đơn vị nhà nước để song hành cùng doanh nghiệp trên con đường phát triển.
Hiện phần lớn các doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối,… Nhiều doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như TikTok, Facebook, Google, Sendo, Tiki, Lazada, Shopee... đưa lại hiệu quả cao.
Hầu hết doanh nghiệp đều trang bị và sử dụng chữ ký số, hơn 60% các doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm kế toán giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí và tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên.
Qua chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều doanh nghiệp nhận thấy chuyển đổi số là một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Điều này đang góp phần tạo ra các doanh nghiệp số, logistic, giao nhận, thương mại, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch... hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động...