TT-Huế: Thêm nhiều chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh

09/02/2022 11:44 GMT+7
Thừa Thiên Huế nghiên cứu thực hiện thêm loạt chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2025.

Kế hoạch đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh ở tỉnh, trong đó có việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

TT-Huế: Thêm nhiều chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh  - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Ảnh: N.M.

Ngoài thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chính sách của Trung ương, Thừa Thiên Huế thực hiện các chính sách của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đó là các chính sách: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi số, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ mặt bằng trong các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ đăng ký bán hàng trên các trang thương mại điện tử quốc tế; hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng sẽ nghiên cứu thực hiện thêm loạt chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể là điều chỉnh tỷ lệ % giá đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh so với giá đất ở cùng vị trí; điều chỉnh tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất nhằm tạo điều kiện giảm giá trị nộp tiền thuê đất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; hỗ trợ phí hạ tầng cho các doanh nghiệp sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp.

Tỉnh cũng nghiên cứu hỗ trợ mức chênh lệch lãi suất (2%/năm) cho các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thông qua các tổ chức tín dụng. Ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư. Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất đối với 1 phương án, dự án sản xuất - kinh doanh trong cùng một giai đoạn.

Thừa Thiên Huế cũng nghiên cứu hỗ trợ 3 năm lãi suất vay (không quá 10.000.000 đồng/năm) cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; hỗ trợ phát hành chứng thư bảo lãnh (bằng 50% giá trị khoản vay) cho các doanh nghiệp đã được được tổ chức tín dụng thẩm định và quyết định cho vay theo quy định của pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng; tiếp tục bổ sung nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với lao động từ các vùng dịch trở về địa phương.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các sở ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tập trung xây dựng kế hoạch 2022 - 2025 của ngành, địa phương phù hợp với kế hoạch của tỉnh, đồng thời cụ thể hoá cho từng năm của giai đoạn và phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.


Trần Hòe
Cùng chuyên mục