TT-Huế: Xây dựng trung tâm logistics tại các khu kinh tế, khu công nghiệp

25/04/2021 09:51 GMT+7
Tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics tại các khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nhằm phát triển các trung tâm logistics trở thành trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ đắc lực cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa của tỉnh và xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần giảm chi phí, thời gian trong việc trung chuyển hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân. Qua đó, kế hoạch góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

TT-Huế: Xây dựng trung tâm logistics tại các khu kinh tế, khu công nghiệp  - Ảnh 1.

Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng các trung tâm logistics tại các khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tính kết nối giữa tỉnh với các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh của Thái Lan, Lào. Ảnh minh họa.

Kế hoạch phấn đấu thành lập một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có quy mô trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường. 

Việc phát triển dịch vụ logistics được ứng dụng côn nghệ mới, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. 

Kế hoạch đưa ra các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đối với nội dung triển khai các chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, tỉnh rà soát, ban hành các văn bản triển khai phát triển dịch vụ logistics phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của tỉnh. 

Đối với đầu tư hạ tầng logistics, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics. Tỉnh sẽ xây dựng các trung tâm logistics tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tính kết nối giữa tỉnh với các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh của Thái Lan, Lào.

Để nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, tỉnh sẽ thực hiện khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành chủ lực áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến như: Công nghiệp phụ trợ, năng lượng, dệt may xuất khẩu, đồ gỗ, chế biến nông sản - thực phẩm, dược liệu... Từng bước tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác.

Việc phát triển thị trường dịch vụ logistics sẽ được thực hiện bằng cách đẩy mạnh xúc tiến thương mại dịch vụ logistics, thu hút nguồn hàng từ các tỉnh Bắc Trung Bộ; khuyến khích sự liên doanh, liên kết, cộng tác giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để triển khai, phát triển dịch vụ logistics và mở rộng tầm hoạt động của các doanh nghiệp.

Theo Luật Thương mại, dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác…


Trần Hòe
Cùng chuyên mục