Từ 01/7/2021, trường hợp nào không phải đăng ký tạm trú?
Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú. Từ 01/7/2021, khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, trường hợp nào không phải đăng ký tạm trú?
Trường hợp nào không phải đăng ký tạm trú?
Hiện nay, theo quy định tại Điều 27 Luật Cư trú năm 2020, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Như vậy, đối chiếu với quy định trên, có 02 trường hợp người dân không phải đăng ký tạm trú, bao gồm:
- Thuộc trường hợp đăng ký thường trú;
- Người đến sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn khác nơi đăng ký thường trú dưới 30 ngày.
Đối với người thuộc trường hợp đăng ký thường trú, không cần đăng ký tạm trú mà phải đăng ký thường trú với cơ quan có thẩm quyền.
Đối với người không thuộc trường hợp đăng ký thường trú cũng không thuộc trường hợp đăng ký tạm trú thì phải đăng ký lưu trú.
Theo khoản 6 Điều 2 Luật Cư trú mới, lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.
Thủ tục đăng ký lưu trú đối với người không phải đăng ký tạm trú
Theo khoản 3 Điều 15 Thông tư 55/2021/TT-BCA, khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm đề nghị người đến lưu trú xuất trình một trong các giấy tờ pháp lý thể hiện thông tin về số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật và thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
Sau đó, thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú. Nội dung thông báo về lưu trú bao gồm họ và tên, số định đanh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; địa chỉ lưu trú.
Trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
Việc thông báo lưu trú được thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
- Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú do cơ quan đăng ký cư trú quy định;
- Thông qua số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
- Thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú;
- Thông qua ứng dụng trên thiết bị điện tử.
Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thông báo hoặc niêm yết công khai địa điểm, số điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử, địa chỉ trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú, tên ứng dụng trên thiết bị điện tử tiếp nhận thông báo lưu trú.
Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú; trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.
Thời gian lưu trú tối đa là bao nhiêu ngày?
Theo quy định, khi công dân đến sinh sống, làm việc, học tập ngoài phạm vi cấp xã nơi thường trú từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú. Dưới 30 ngày thì phải thực hiện đăng ký lưu trú. Vì thế, thời gian lưu trú tối đa là 30 ngày. Nếu quá thời gian này, công dân phải đi đăng ký tạm trú, thay vì đăng ký lưu trú.
Tại Thông tư 55 cũng quy định rõ:
4. Thời gian lưu trú tuỳ thuộc nhu cầu của công dân nhưng không quá 30 ngày. Người tiếp nhận thông báo lưu trú phải cập nhật nội dung thông báo về lưu trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.