Từ bài thuốc cổ 1.800 năm, công ty Trung Quốc sản xuất thuốc điều trị Covid-19 kiếm bộn tiền

29/06/2020 16:48 GMT+7
Một trong những phương pháp điều trị Covid-19 gây tranh cãi nhất hiện nay là loại thuốc cổ truyền từ một cuốn sách y khoa Trung Quốc lưu truyền cách đây 1.800 năm.
Từ bài thuốc cổ 1.800 năm, công ty Trung Quốc sản xuất thuốc điều trị Covid-19 kiếm bộn tiền - Ảnh 1.

Nhiều loại thuốc cổ truyền của Trung Quốc được đưa vào liệu pháp điều trị Covid-19 tiêu chuẩn cho bệnh nhân nước này (Ảnh minh họa)

Doanh số tăng đột biến của loại thuốc mang tên viên nang Lianhua Qingwen đã tạo ra khối tài sản khổng lồ cho công ty dược phẩm Thạch Gia Trang Yiling. Tất nhiên, song song với số tiền kiếm được, công ty cũng phải đối mặt với một cuộc tranh cãi khó khăn về hiệu quả thực tế của loại thuốc này.

Wu Xiangjun, tổng giám đốc của công ty dược phẩm Thạch Gia Trang Yiling trong một cuộc phỏng vấn với tờ SCMP đã tiết lộ doanh thu từ việc bán viên nang Lianhua Qingwen đã tăng gần gấp đôi trong quý I/2020. “Chúng tôi đang tích cực thúc đẩy quá trình đăng ký và cấp phép sản phẩm để bán ra tại nước ngoài”. 

Viên nang Lianhua Qingwen được nghiên cứu và phát triển từ năm 2003 để điều trị hội chứng suy hô hấp cấp nặng (SARS) khi dịch SARS bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc. Với chiết xuất tinh chất 13 loại thảo dược dựa trên phương thuốc từ cuốn sách y cổ đại thời nhà Hán, Lianhua Qingwen đã trở thành một phần trong liệu pháp điều trị Covid-19 tiêu chuẩn cho bệnh nhân tại Trung Quốc, cùng với hai loại thuốc y học cổ truyền khác. Liệu pháp bắt đầu được sử dụng từ tháng 2/2020.

Các đại sứ quán Trung Quốc sau đó cũng đưa viên nang Lianhua Qingwen vào một bộ kit chăm sóc cá nhân gửi cho sinh viên Trung Quốc tại nước ngoài, bên cạnh các vật tư cần thiết như khẩu trang và khăn lau khử trùng. Cho đến nay, Lianhua Qingwen đã được cấp phép bán ra ở nhiều quốc gia như Brazil, Indonesia, Canada, Mozambique, Singapore, Romania, Ecuador.... Loại thuốc này hiện đang được rao bán với giá 19 Bảng Anh (24 USD)/ hộp trên trang thương mại điện tử eBay ở Anh. Tại Trung Quốc, mỗi hộp thuốc có giá 25 NDT (4 USD). 

Kết quả là chỉ trong quý I/2020, công ty dược phẩm Thạch Gia Trang Yiling đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng vọt 52% lên 438 triệu NDT so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu của công ty niêm yết trên sàn giao dịch Thâm Quyến cũng tăng vọt 148% lên 30,58 NDT/ cp tính từ đầu năm đến nay. Số lượng cổ động cũng tăng hơn gấp đôi lên 108.000 người vào tháng 3/2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại dịch Covid-19 đã phần nào củng cố vai trò quan trọng của ngành y học cổ truyền trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, y tế của Trung Quốc, dù cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về hiệu quả các loại thuốc như vậy. Tính đến nay, các loại thuốc và liệu pháp điều trị y học cổ truyền chiếm tới 18-30% thị trường thuốc 2 nghìn tỷ NDT (238 tỷ USD) của Trung Quốc, các ước tính cho thấy. Mandy Zuo, bác sĩ làm việc tại một bệnh viện công ở thành phố Thiên Tân, phía đông bắc Trung Quốc cho hay ngày càng có nhiều bệnh nhân yêu cầu dùng thuốc y học cổ truyền để điều trị các bệnh thông thường như cảm lạnh, tiêu chảy...

Một công ty khác của Trung Quốc, Công ty dược phẩm Thiên Tân Chase Sun, nơi sản xuất thuốc tiêm Xuebijing - một trong hai loại thuốc y học cổ truyền còn lại được đưa vào công thức trị liệu tiêu chuẩn của Trung Quốc, bên cạnh viên nang Lianhua Qingwen, cũng báo cáo doanh thu bán thuốc tăng lên 178 triệu NDT và giá cổ phiếu nhảy vọt 57% từ đầu năm đến nay. Công ty dược phẩm Sơn Đông Wohua, nơi sản xuất một số sản phẩm điều trị cúm khác cũng báo cáo lợi nhuận ròng tăng 226% lên 44,1 triệu NDT.

Bất chấp những tín hiệu lạc quan như vậy, ngành y học cổ truyền Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều mối nghi ngờ. Hầu hết các nhà  khoa học và bác sĩ được đào tạo ở phương Tây cho đến nay vẫn tỏ ra ngờ vực về hiệu quả các phương thuốc y học cổ truyền. Nguyên nhân là do các loại thuốc này không được thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt như các phương thuốc điều trị y học hiện đại. 

Một bài đăng trên tạp chí Nature, một trong những tạp chí khoa học uy tín nhất trên thế giới hồi tháng 6 vừa qua đã chỉ ra rằng để y học cổ truyền Trung Quốc có được sự công nhận của phương Tây, nó buộc phải chứng minh giá trị bằng cách vượt qua các thử nghiệm lâm sàng như các loại thuốc điều trị khác. Còn Xu Jingren, chủ tịch của Tập đoàn Dược phẩm Yangzijiang -  một nhà sản xuất thuốc cổ truyền tại Giang Tô thì cho rằng sự khác biệt trong văn hóa phương Đông và phương Tây có lẽ sẽ khiến y học cổ truyền Trung Quốc khó bước ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục