Từng "cầu cứu" Thủ tướng vì tồn 1,2 triệu thùng xăng dầu, Lọc hóa Dầu Bình Sơn báo lãi quý 3 tăng 204%
Tính riêng quý III/2021, BSR ghi nhận 17.679 tỷ đồng doanh thu, tăng 94% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng, tăng 204%.
Giải trình cho biến động kinh doanh trong kỳ, phía BSR cho biết, 9 tháng đầu năm 2020 giá dầu thô (giá Dated Brent) giảm mạnh từ mức 63,5 USD/thùng bình quân tháng 01/2020 xuống còn 18,5 USD/thùng bình quân tháng 4/2020 (giảm 45 USD/thùng) sau đó tuy có tăng dần lên nhưng cũng chỉ đạt mức 40,8 USD/thùng bình quân tháng 9/2020.
Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2021 giá dầu thô liên tục tăng mạnh. Giá Dated Brent liên tục tăng từ 49,9 USD/thùng bình quân tháng 12/2020 lên 74,6 USD/thùng bình quân tháng 9/2021 đã tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm 2020, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm chính (xăng dầu) khá thấp đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm cũng như quý 3 năm 2020 của Công ty. Trong khi đó, trong 9 tháng đầu năm 2021 khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, quý 3 năm 2020 Công ty sản xuất 875 ngàn tấn sản phẩm, tiêu thụ 926 ngàn tấn sản phẩm; trong khi quý 3 năm 2021 Công ty sản xuất 1.452 ngàn tấn sản phẩm, tiêu thụ 1.113 ngàn tấn sản phẩm cũng góp phần tạo nên chênh lệch kết quả kinh doanh kỳ này so với cùng kỳ năm trước.
Với các nguyên nhân chính trên, giúp quý III/2021 BSR lãi 471 tỷ đồng, tăng 189% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, BSR ghi nhận 66.587 tỷ đồng doanh thu, tăng 63%; lãi sau thuế 3.998 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 4.094 tỷ đồng, tương ứng mỗi ngày doanh nghiệp thu về gần 15 tỷ đồng lợi nhuận.
Trong năm 2021, BSR đặt mục tiêu doanh thu 70.661 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch năm 2021 đã được ĐHĐCĐ thông qua, BSR đã đạt 94% về doanh thu và vượt 359% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản BSR có 62.552 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận xấp xỉ 12.449 tỷ đồng; đặc biệt hàng tồn kho tăng mạnh gấp 2 lần đầu năm lên mức 17.522 tỷ đồng.
Việc hàng tồn kho doanh nghiệp tăng mạnh do bởi thị trường chính của doanh nghiệp là phía nam có tới gần 20 địa phương bước vào giãn cách theo Chỉ thị 16 khiến tiêu thụ xăng dầu sụt giảm quá nhanh và mạnh trong tháng 3 tháng của quý III.
Trước đó vào đầu tháng 8, BSR đã có đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ khi đợt dịch lần thứ 4 khiến tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm mạnh trong khi tồn kho lên rất cao khiến doanh nghiệp đối diện với rủi ro không còn sức tồn chứa dẫn đến nguy cơ phải dừng nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Sang tới tháng 9, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát công ty đã tăng công suất nhà máy lên lên 85% vào ngày 22/9 và 100% từ đầu tháng 10.
Cuối tháng 9/2021, BSR có 27.495 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 2.665 tỷ đồng. Nợ vay còn gần 12.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản mục thuế và các khoản phải nộp nhà nước cũng tăng mạnh từ 951 tỷ đồng lên 1.580 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/10, cổ phiếu BSR hiện đang giao dịch ở ngưỡng 23.400 đồng/cổ phiếu.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đợt bùng phát thứ 4 dịch Covid-19 với các tỉnh miền Trung từ tháng 5, 6/2021 đã khiến công tác tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất (thuộc sở hữu BSR) bị chững lại và đi xuống khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa bị giảm sút.
Ở thời điểm 10/8, nhà máy của BSR đang tồn trên 200.000m3 sản phẩm xăng dầu các loại (tương đương 1,2 triệu thùng) và gần 400.000m3 dầu thô (khoảng 2,4 triệu thùng).
Từ ngày 3/8, BSR đã phải giảm công suất nhà máy xuống còn 90% (công suất tối thiểu).....