Tuyên bố ra mắt vaccine Covid-19 quá sớm, Nga bị các nước phương Tây nghi "đi đường tắt"

30/07/2020 10:41 GMT+7
Nga dự kiến sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine Covid-19 bất chấp sự quan ngại và ngờ vực từ các nước phương Tây về độ an toàn, hiệu quả của loại vaccine này.
Tuyên bố ra mắt vaccine Covid-19 quá sớm, Nga bị các nước phương Tây nghi "đi đường tắt" - Ảnh 1.

Nga bị các nước phương Tây nghi "đi đường tắt" khi tuyên bố phê duyệt vaccine Covid-19 trước 10/8

Trả lời phỏng vấn tờ CNN, các quan chức Nga cho biết nước này dự kiến phê duyệt sử dụng vaccine Covid-19 muộn nhất vào ngày 10/8 tới đây, thậm chí có thể sớm hơn. Loại vaccine này được nghiên cứu và phát triển bởi Viện nghiên cứu Gamaleya có trụ sở tại Moscow. Một khi được chấp thuận sử dụng rộng rãi trong cộng đồng, các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch của Nga sẽ được ưu tiên sử dụng trước tiên.

“Đó là một khoảnh khắc Sputnik (khoảnh khắc lịch sử)” - trích lời Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ quản lý tài sản Russian Direct Investment Fund (RDIF) đang tài trợ cho nghiên cứu vaccine Covid-19 của Nga. “Khoảnh khắc Spunik” ám chỉ thời khắc lịch sử mà Liên Xô phóng thành công vệ tinh đầu tiên trên thế giới vào năm 1957, thời khắc vệ tinh nhân tạo Spunik truyền về Trái Đất những tiếng “bíp” báo hiệu cho trạm điều khiển dưới mặt đất biết mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ. Sau này, các nhà nghiên cứu gọi đây là “tiếng bíp khởi đầu cho Thời đại Không gian”.

"Người Mỹ đã rất ngạc nhiên khi họ nghe thấy tiếng bíp của Sputnik. Loại vaccine mới này cũng tương tự như vậy. Nga sẽ trở thành người tiên phong” - ông Kirill Dmitriev nói thêm.

Nhưng cho đến nay, những ngờ vực xoay quanh quá trình phát triển, độ an toàn và hiệu quả của loại vaccine Covid-19 do Nga phát triển vẫn còn rất lớn, do Moscow hiện vẫn chưa công bố những dữ liệu khoa học liên quan để xác minh.

Nhiều nhà quan sát lo ngại Nga có thể chưa thực hiện đầy đủ quy trình thử nghiệm vaccine trên người. Hiện hàng chục loại vaccine tiềm năng khác đang bước vào giai đoạn thử nghiệm trên khắp thế giới, một số ít trong đó đang được thử nghiệm trên quy mô lớn. Nhưng hầu hết các nhà phát triển vaccine cảnh báo rằng vẫn còn một chặng đường dài để hoàn tất các thử nghiệm trước khi loại vaccine tiềm năng được chính phủ phê duyệt.

Lý giải về tốc độ nhanh chóng khó tin của vaccine Covid-19 tại Nga, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các binh sĩ Nga chính là những tình nguyện viên đã tham gia thử nghiệm vaccine trên người. Alexander Ginsburg, giám đốc dự án phát triển dòng vaccine này thậm chí tiết lộ với tờ CNN rằng ông đã tự tiêm vaccine cho mình để kiểm nghiệm hiệu quả và độ an toàn.

Còn các nhà khoa học nước này cho biết đây là phiên bản đổi mới của một loại vaccine được tạo ra trước đó cho một căn bệnh đường hô hấp khác. Đây cũng là cách tiếp cận đang được thực hiện tại nhiều quốc gia. 

Moderna, công ty hiện đang phát triển dòng vaccine tiềm năng được chính phủ Mỹ tài trợ hiện đã bước sang giai đoạn thử nghiệm thứ 3 hồi đầu tuần này. Vaccine Covid-19 của Moderna cũng được phát triển trên cơ sở một dòng vaccine cho virus MERS. Không thể phủ nhận điều này đã thúc đẩy quá trình phát triển vaccine, nhưng hiện các cơ quan quản lý của Mỹ và Châu Âu vẫn đang yêu cầu Moderna bổ sung đầy đủ các xét nghiệm, thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả của dòng vaccine này.

Theo giới chức Nga, loại vaccine Covid-19 tiềm năng do Viện Gamaleya phát triển sẽ nhanh chóng được thông qua phê duyệt trong bối cảnh nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tại Nga nói riêng và trên toàn cầu nói chung. Các quan chức nước này cho hay dữ liệu khoa học về vaccine Covid-19 đang được biên soạn và sẽ công bố vào đầu tháng 8 để các nhà khoa học thế giới bình xét. Tính đến nay, Nga xác nhận hơn 800.000 ca nhiễm Covid-19.

“Ưu tiên lớn nhất của các nhà khoa học Nga không phải là tiên phong (trong việc phát triển vaccine Covid-19) mà là bảo vệ người dân” - ông Kirill Dmitriev nhấn mạnh.


 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục