Tỷ giá tăng 'sốc' khi lãi suất kỳ vọng tiếp tục giảm - Đâu là điểm dừng?

15/08/2023 09:37 GMT+7
Quan sát trên thị trường cho thấy, lãi suất tiết kiệm và cho vay giảm nhanh hơn kể từ đầu tháng 7 tới nay. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện sự phân hóa khá rõ rệt. Tỷ giá bật tăng mạnh khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục được điều chỉnh giảm

Báo cáo vừa công bố từ Bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở trầm lắng trong tuần trước. Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 15 nghìn tỷ trên kênh kỳ hạn 7 ngày nhưng không có khối lượng trúng thầu nào được ghi nhận.

Về diễn biến lãi suất, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm dao động trong biên độ hẹp (0,2%) và chênh lệch với lãi suất USD duy trì ở mức -500 điểm cơ bản. Thanh khoản trung bình ngày trên thị trường đạt 186 nghìn tỷ - cao gần gấp 2 so với giai đoạn 2020-2021. Theo đánh giá của Bộ phận nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI, điều này cho thấy các ngân hàng thương mại vẫn khá tích cực sử dụng kênh liên ngân hàng nhằm tài trợ cho nguồn vốn ngắn hạn.

Tỷ giá tăng "sốc" khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm - Ảnh 1.

Nguồn: SSI

Trên thị trường dân cư, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiếp tục được điều chỉnh giảm khoảng 20-50 điểm cơ bản ở các ngân hàng thương mại cổ phần ở các kỳ hạn, và đưa mức lãi suất niêm yết dành cho khách hàng tổ chức về khoảng 6,2% - 6,8% cho kỳ hạn 12 tháng – giảm khoảng 150 điểm cơ bản so với cuối năm 2022.

Đối với khách hàng cá nhân, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giao động từ 6,3% cho nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đến 6,4% - 7,0% cho nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn và vào khoảng 7,2% - 7,6% cho nhóm còn lại.

"Nhìn chung, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và do vậy việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động là điệu kiện cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay", các chuyên gia phân tích tại SSI nhấn mạnh

Trên thực tế, Bộ phận nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI cũng quan sát thấy tốc độ giảm của lãi suất cho vay đã nhanh hơn trong tháng 7. Tuy nhiên vẫn xuất hiện sự phân hóa khá rõ rệt.

Theo đó, với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có chất lượng tín dụng tốt, lãi suất cho vay đã giảm về khoảng 8-10% trong khi đó các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng kém hơn vẫn phải đi vay với mức lãi suất từ 12-15%.

Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa ban hành một lần nữa cho thấy chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất.

Nghị quyết nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp tình hình.

Triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ vay; chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Tỷ giá tăng "sốc" khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm

Trên thị trường ngoại hối quốc tế, tâm điểm đáng chú ý tuần qua là thông tin về chỉ số CPI toàn phần và CPI cơ bản của Mỹ trong tháng 7. So với cùng kỳ năm trước, CPI toàn phần tăng 3,2%, cao hơn mức tăng 3,0% của tháng 6 song vẫn thấp hơn so với mức tăng 3,3% theo dự báo và CPI cơ bản tăng 4,7%, hạ nhiệt nhẹ so với mức tăng 4,8% của tháng 6. Xem xét các chỉ số giá thành phần, yếu tố góp phần đẩy lạm phát tháng 7 là nhóm lương thực thực phẩm và năng lượng, trong khi đó nhóm giá dịch vụ lõi ghi nhận sự chậm lại. Sau các thông tin kinh tế trên và đặc biệt là thông tin về lạm phát, công cụ của CME dự báo có 88,5% khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9, tuy nhiên xác suất không tăng lãi suất giảm xuống 62% cho kỳ họp tháng 11 và 58% cho kỳ họp tháng 12. Đồng USD đã có một tuần tương đối tích cực và tăng 0,8% trong khi các đồng tiền chủ chốt khác đều giảm giá so với USD như JPY ( giảm 2,24%), EUR (giảm 0,48%) hay GBP (giảm 0,45%).

Tỷ giá tăng "sốc" khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm - Ảnh 2.

Tỷ giá tăng "sốc" khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm.

Trên thị trường trong nước, diễn biến tỷ giá USD giao dịch quan vùng 23.750 VND/USD cho tỷ giá liên ngân hàng và 23.900 VND/USD cho tỷ giá bán niêm yết tại các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, tỷ giá tiếp tục bật tăng trở lại trong phiên đầu tuần này, khi mặt bằng lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm. Theo cập nhật của Etime, trong phiên ngày hôm qua tỷ giá trung tâm tăng thêm 11 đồng, và trong phiên sáng nay tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.881 VND/USD, tăng thêm 33 đồng so với phiên đầu tuần. Như vậy, chỉ tính trong 2 phiên này, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 44 đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích SSI, việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các NHTW lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quý III/2023. Tuy nhiên, nguồn cung ngoại tệ tích cực (cán cân thương mại 7 tháng đầu năm thặng dư hơn 16 tỷ USD) được kỳ vọng sẽ giúp tiền Đồng ổn định trở lại về cuối năm.


H.Anh
Cùng chuyên mục