Tỷ phú Nepal thừa nhận đã đánh giá thấp làn sóng dịch Covid-19 thứ hai

31/05/2021 17:52 GMT+7
Tỷ phú Nepal Binod Chaudhary hồi tuần trước nhận định Nepal có thể đã đánh giá thấp làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.

“Tôi phải thừa nhận rằng chúng ta, với tư cách một quốc gia, có thể đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của làn sóng dịch bệnh thứ hai” - tỷ phú Nepal Binod Chaudhary trả lời phỏng vấn tờ CNBC.

Các trường hợp nhiễm mới Covid-19 tại Nepal đã tăng mạnh trong tháng 4 và tiếp tục đạt mức kỷ lục mới trong tháng 5. Tính đến ngày 30/5, Nepal đã báo cáo 557.124 ca nhiễm Covid-19 và 7.272 ca tử vong, theo số liệu thống kê từ cơ quan y tế trực thuộc chính phủ. Tình hình căng thẳng tương tự như những gì diễn ra ở quốc gia láng giềng Ấn Độ - ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.

Theo Chủ tịch CG Corp Global  Binod Chaudhary, làn sóng dịch bệnh đầu tiên đã làm tê liệt Nepal trong ít nhất 3 tháng bất chấp những nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế của chính phủ. Lần này, mọi chuyện có vẻ còn tệ hại hơn. Hệ thống y tế của quốc gia đang phải chịu áp lực rất lớn. Tình trạng thiếu oxy, thiếu máy thở và giường chăm sóc đặc biệt đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Tỷ phú Nepal thừa nhận đã đánh giá thấp làn sóng dịch Covid-19 thứ hai - Ảnh 1.

Số ca nhiễm tăng vọt, tỷ phú Nepal thừa nhận đã đánh giá thấp làn sóng dịch Covid-19 thứ hai

Dữ liệu thống kê của World Bank năm 2018 chỉ ra rằng tỷ lệ bác sĩ ở Nepal khá thấp, chỉ là 0,749 bác sĩ trên 1.000 dân. Con số này thấp hơn mức 0,857 ở Ấn Độ và 2,812 ở Anh trong cùng năm.

Chiến dịch tiêm chủng ở Nepal đã bị chững lại do những vấn đề nguồn cung. Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 2,25% trong tổng dân số 29 triệu người ở quốc gia này đã được tiêm chủng, theo dữ liệu của  Our World in Data. 

Ông Binod Chaudhary cho hay: “Chúng tôi đang tin tưởng vào Ấn Độ”.

Là quốc gia láng giềng thân cận của Nepal và được mệnh danh là trung tâm sản xuất vắc xin toàn cầu, Ấn Độ trước đó đã tài trợ vắc xin cho các nước láng giềng. Nepal là nước đặt mua vắc xin chủ yếu từ Ấn Độ. Nhưng gần đây, từ tháng 2/2021, khi làn sóng dịch bệnh thứ hai càn quét quốc gia, Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu vắc xin để ưu tiên cho nhu cầu trong nước.

“Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung khác. Chúng tôi cần tăng tốc các nỗ lực một cách nhanh nhất” - tỷ phú Binod Chaudhary nhấn mạnh.

Ông nói thêm rằng CG Corp Global đã huy động mạng lưới của mình để tìm kiếm nguồn cung vắc xin cũng như giúp đưa oxy và máy thở vào Nepal. Tổ chức phi lợi nhuận của CG Corp Global đã quyên góp khoảng 1 triệu USD cho quốc gia để đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe. Tỷ phú Binod Chaudhary đồng thời kêu gọi thế giới  “chú trọng đặc biệt đến các quốc gia như Nepal”  trong việc phân bổ nguồn cung vắc xin, do quốc gia này “có vị trí chiến lược” do đường biên giới chung với cả Ấn Độ và Trung Quốc.

Cho đến nay, nhiều quốc gia đã gửi tới Nepal các viện trợ dưới dạng vật tư y tế và đồ bảo hộ cá nhân. Trung Quốc được cho là đã viện trợ tới 800.000 liều vắc xin do Sinopharm phát triển cho Nepal.

Tại quốc gia láng giềng Ấn Độ, tình hình đại dịch không khá hơn. Các ca nhiễm mới Covid-19 của Ấn Độ bắt đầu tăng trong tháng 2 trước khi đạt đỉnh vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Hôm 7/5, ở thời điểm khủng hoảng nặng nề nhất, Ấn Độ ghi nhận tới 414.000 ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng 24 giờ. Làn sóng dịch thứ hai buộc hầu hết các bang công nghiệp của Ấn Độ phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn cục bộ trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan virus.

Mặc dù cho đến nay, các ca nhiễm mới được báo cáo mỗi ngày tại Ấn Độ đã giảm xuống mức dưới 200.000 ca mỗi ngày, nhưng vẫn có những cảnh báo về nguy cơ bùng dịch do tốc độ lây lan virus nhanh chóng ở các vùng nông thôn, nơi cơ sở hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe không được đảm bảo đầy đủ.

Theo các nhà kinh tế, nửa cuối năm 2021 là thời điểm đặc biệt quan trọng để Ấn Độ đẩy mạnh chương trình tiêm chủng phòng chống Covid-19 và giảm thiểu nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ ba.


NTTD
Cùng chuyên mục