Ứng dụng công nghệ cao Israel vào nông nghiệp

24/09/2020 06:55 GMT+7
Đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 hiện đang được xây dựng.
Ứng dụng công nghệ cao Israel vào nông nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều nông dân trồng tiêu ở xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel vào sản xuất. Ảnh: B.Nguyên

Mục tiêu chung của đề án là đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao của Israel vào sản xuất những nông sản thế mạnh của Đồng Nai theo quy mô hàng hóa lớn, đạt năng suất, chất lượng quốc tế. Chú trọng xây dựng chuỗi giá trị khép kín, tạo thương hiệu sản phẩm góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng sống của nông dân.

Tạo sự đột phá

Mục tiêu quan trọng nhất của đề án trong giai đoạn 2020-2025 là giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4,5%/năm, bình quân sản xuất nông nghiệp 1ha đạt khoảng 300 triệu đồng với trên 53,3% là giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Các mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trong đề án được chia thành 4 nhóm: mô hình đột phá nhóm A là các loại nông sản giống mới giàu tiềm năng về thị trường xuất khẩu; mô hình chủ lực nhóm B, mô hình truyền thống nhóm C là nhóm các nông sản chủ lực và nông sản truyền thống có sẵn tại địa phương và mô hình không đầu tư là nhóm các sản phẩm đề xuất không thực hiện. Những công nghệ Israel được áp dụng trong đề án gồm: công nghệ nhà lưới, công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ bón phân tự động, công nghệ điều khiển tự động, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, tự động hóa trong bảo quản. Đề án sẽ thực hiện các mô hình thí điểm do Nhà nước đầu tư có hiệu quả sẽ chuyển giao cho nông dân, HTX.

Bà Mai Thị Hải, Giám đốc Công ty CP Công nghệ giáo dục 3A (TP.HCM), đơn vị tư vấn đề án cho biết, quan điểm phát triển của đề án là ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng nông sản. Khai thác, sử dụng hiệu quả các lợi thế riêng của Đồng Nai trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Xây dựng được chuỗi giá trị khép kín cho từng loại sản phẩm, kiểm soát từ khâu giống đến cây tiêu thụ. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trong các lĩnh vực liên quan. Mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của cư dân vùng nông thôn; nâng cao vị thế của người dân nông thôn, giúp người dân vươn lên làm giàu.

Trong đó, 5 mô hình chủ lực nhóm A gồm: bơ Hass, chanh dây, thanh long vỏ vàng, thơm MD2 và chuối Cavendich được xem là nhóm đột phá vì tạo ra sản phẩm mới cho Đồng Nai với giá trị kinh tế cao, được thị trường xuất khẩu ưa chuộng.

Sớm đi vào thực hiện

Trước khi xây dựng đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đoàn công tác của tỉnh đã có chuyến tham quan, học tập các mô hình nông nghiệp của nước này. Israel là đất nước sa mạc nhưng lại có nền nông nghiệp rất phát triển, xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính rất đáng được học tập. Mục tiêu của đề án là ứng dụng công nghệ Israel cũng như các công nghệ cao khác trên thế giới mà nước này đã áp dụng vào sản xuất để phát triển nông nghiệp của Đồng Nai theo hướng hiện đại, bền vững.

Theo ông Hà Duy Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ giáo dục 3A, nghiên cứu khả thi ứng dụng công nghệ Israel để phát triển nông nghiệp bền vững chỉ chọn lọc những phương pháp có thể áp dụng tốt nhất, phù hợp nhất với Việt Nam. Các chuyên gia Israel tham gia đề án sẽ có mặt ở Đồng Nai, tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp và đồng hành với nông dân đến khi ra được sản phẩm. Hiện 80% sản phẩm nông nghiệp của Israel xuất khẩu vào thị trường châu Âu và họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho đến kinh nghiệm về xây dựng chuỗi, cách bán hàng...

Ông Bình dẫn chứng: “Tôi lấy ví dụ Israel đã nghiên cứu ra giống bơ Hass, hiện 80% sản lượng bơ trên thị trường xuất khẩu là giống bơ này. Các chuyên gia nông nghiệp Israel qua Việt Nam, sẵn sàng cùng nông dân trồng ra sản phẩm bơ Hass đạt chất lượng xuất khẩu. Doanh nghiệp chúng tôi cũng mong mỏi được xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường châu Âu”.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cơ bản thống nhất về nội dung của đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và đề nghị đơn vị tư vấn, chủ đầu tư sớm hoàn chỉnh đề án để đưa vào triển khai. Trong đó, mô hình đột phá nhóm A là nhóm giống mới nên ưu tiên triển khai trước. Nhóm cây trồng mới này sẽ đưa vào trồng thử nghiệm tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (H.Cẩm Mỹ), đạt hiệu quả sẽ nhân rộng vào thực tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là tính khả thi của đề án, xây dựng đề án là để đi vào đời sống. Trong đó, quan trọng nhất là hiệu quả thực tế và tính khả thi của các mô hình nên yêu cầu phải gắn trách nhiệm của đơn vị tư vấn về hiệu quả của từng mô hình khi đưa vào thực tế sản xuất. Cần xác định mô hình nào được chọn đầu tư làm thí điểm, mô hình nào có thể đưa ra ứng dụng ngay cho người dân.


Theo Báo Đồng Nai
Cùng chuyên mục