dd/mm/yyyy

Uniben hỗ trợ nông dân làm VietGap, phát triển vùng nguyên liệu sạch

Uniben đang triển khai chương trình hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình VietGap và sản xuất rau an toàn, hướng tới phát triển vùng nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng và vệ sinh thực phẩm.

Để chủ động hơn trong việc đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm mì 3 Miền và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho nông dân, Uniben đang xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất rau sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Dự án sẽ được tư vấn và hỗ trợ bởi các kỹ sư, chuyên gia từ Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP.HCM. Đồng thời, doanh nghiệp này sẽ ký hợp đồng thu mua dài hạn, tạo điều kiện hỗ trợ đầu ra ổn định, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Kỹ sư nông nghiệp Lê Thanh Mai hướng dẫn hộ nông dân Nguyễn Văn Bé (Đồng Tháp) trồng rau ngò ôm theo mô hình VietGap.
Kỹ sư nông nghiệp Lê Thanh Mai hướng dẫn hộ nông dân Nguyễn Văn Bé (Đồng Tháp) trồng rau ngò ôm theo mô hình VietGap.

Chương trình đã được thí điểm với các hộ nông dân trồng ngò ôm tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, trồng ớt tại TP.HCM. Tiếp đó, chương trình dự kiến mở rộng với các hộ trồng ớt khác ở Tiền Giang, Tây Ninh, trồng hành tại Hà Nội, Hải Dương, riềng tại Hà Giang, Lào Cai, Sóc Trăng, Long An và nấm ở Đồng Nai, Vũng Tàu...

Sau quá trình đánh giá nghiêm ngặt, các hộ và trang trại được lựa chọn cung cấp rau cho Uniben sẽ được kỹ sư nông nghiệp và chuyên gia hướng dẫn, giám sát việc tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Cụ thể, các hộ sẽ được các đào tạo về quy trình sản xuất rau an toàn, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cập nhật danh mục các hoạt chất bị cấm trong sản xuất rau. Ngoài ra, các chuyên gia còn giúp hộ nông dân kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch, cũng như hướng dẫn và hỗ trợ thủ tục chứng nhận VietGap.

Ông Nguyễn Văn Bé (xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), một trong những hộ nông dân tham gia chương trình, chia sẻ: “Sau khi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty, mình phải canh tác bài bản và có trách nhiệm hơn. Việc chăm sóc, bón phân và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh nếu cần đều phải tuân thủ theo nguyên tắc của công ty và yêu cầu của VietGap. Công ty đã mời cán bộ kỹ thuật xuống hỗ trợ bài bản, đồng thời ký hợp đồng mua sản phẩm nên chúng tôi rất yên tâm”.

Chị Lê Thanh Mai, kỹ sư nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, đánh giá: “Việc Uniben yêu cầu và hỗ trợ các hộ cung cấp sản phẩm cho công ty thực hiện mô hình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap sẽ giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay từ đầu vào, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Đồng thời, điều này sẽ góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của nông dân và ổn định đầu ra, nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Hộ nông dân Bùi Thị Ngọc Sương (TP.HCM) thực hiện trồng ớt theo mô hình VietGap dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp.
Hộ nông dân Bùi Thị Ngọc Sương (TP.HCM) thực hiện trồng ớt theo mô hình VietGap dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp.

Bà Bùi Thị Ngọc Sương (Nhuận Đức, Củ Chi, TP.HCM), một hộ khác tham gia vào chương trình, cho biết: “Gia đình tôi thực hiện đầy đủ quy trình và hướng dẫn của các kỹ sư. Hàng ngày, chúng tôi cùng cán bộ theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của ớt, diến biến sâu bệnh hại, áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp theo đúng nguyên tắc của công ty, đồng thời ghi chép đầy đủ sổ nhật ký đồng ruộng theo hướng dẫn. Từ sau khi thực hiện mô hình này, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn khi được đảm bảo cả đầu vào lần đầu ra của sản phẩm”.

Diệp Trà