Vắc-xin COVID-19 của Đức có thể được cấp phép sớm

17/08/2020 10:15 GMT+7
Hãng công nghệ sinh học Đức CureVac không loại trừ khả năng sẽ đẩy nhanh quá trình chuẩn bị để xin cấp phép sớm cho một loại vắc-xin COVID-19.
Vắc-xin COVID-19 của Đức có thể được cấp phép sớm - Ảnh 1.

CureVac hôm 14/8 nói rằng, họ kỳ vọng sẽ đưa vắc-xin ra thị trường vào giữa năm 2021. Xin cấp phép sớm sẽ giúp công ty cung cấp sản phẩm sớm hơn, nhưng ông Franz-Werner Haas, CEO của hãng không nói cụ thể sớm đến mức nào.

“Chúng tôi không loại trừ khả năng đẩy nhanh quá trình cấp phép, nhưng điều này chỉ có thể thực hiện nhờ sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng”, ông Haas được dẫn lời trên trang tin tài chính Boerse Online.

Nhận được tài trợ từ tỷ phú Bill Gates, CureVac bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq hôm 14/8, huy động được 213 triệu USD. Ông Haas cho biết kết quả các thử nghiệm lâm sàng được triển khai gần đây đối với vắc-xin triển vọng của công ty sẽ được công bố vào mùa thu này, và sản phẩm dự kiến sẽ được thông qua trong nửa đầu năm sau.

CureVac đang nghiên cứu cách sử dụng các phân tử mang mã di truyền RNA để điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có COVID-19. Bằng cách sử dụng các phân tử này, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể kích thích cơ thể tạo ra những protein đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại bệnh tật. “Chúng tôi thấy có những hiểu biết rộng hơn và sâu hơn ở Mỹ rằng công nghệ RNA mà chúng tôi sử dụng có triển vọng nhanh chóng tạo ra một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả”, ông Haas nói.

Hôm 15/8, Nga cho biết đã sản xuất lô vắc-xin COVID-19 đầu tiên. “Lô vắc-xin ngừa virus corona mới đầu tiên do Viện nghiên cứu Gamaleya điều chế đã được sản xuất”, báo chí Nga dẫn thông cáo của Bộ Y tế nước này.

Biến thể virus lây nhanh hơn 10 lần

Trong khi đó, giới chức Malaysia hôm qua cho biết, nước này phát hiện một biến thể của virus corona có khả năng lây lan nhanh hơn 10 lần so với chủng được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Biến thể D614G được Viện nghiên cứu y học Malaysia phát hiện trong 4 ca thuộc 2 chùm bệnh COVID-19 ở nước này, Reuters dẫn thông báo của Bộ trưởng Y tế Noor Hisham Abdullah đăng trên Facebook ngày 16/8. TS Hisham cho biết, việc phát hiện chủng virus mới đòi hỏi người dân phải cẩn thận hơn, thực hiện nghiêm túc các biện pháp như giãn cách xã hội, vệ sinh cá nhân và đeo khẩu trang.

TS Hisham nói rằng, sự xuất hiện của chủng virus mới có thể khiến những nghiên cứu cho đến nay về vắc-xin COVID-19 là chưa hoàn thiện và có thể không hiệu quả đối với chủng mới. Tuy nhiên, ông khẳng định, chính quyền nước này đã nhanh chóng có biện pháp để ngăn virus phát tán khỏi các ổ dịch. Malaysia đến nay có 9.175 ca mắc và 125 trường hợp tử vong.

Indonesia hôm qua cho biết nước này sẽ được ưu tiên tiếp cận vắc-xin COVID-19 do Trung Quốc sản xuất một khi vắc-xin được cấp phép. Đây là một trong những lợi ích mà Indonesia nhận được từ việc tham gia thử nghiệm quy mô lớn vắc-xin do hãng Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Đây là một trong số ít ứng viên vắc-xin COVID-19 trên thế giới đã bước sang giai đoạn thử nghiệm thứ 3. Nếu quá trình thử nghiệm thành công, hãng dược Indonesia Bio Farma sẽ hợp tác để sản xuất vắc-xin này tại cơ sở trong nước, Straitstimes đưa tin.

Bình Giang
Cùng chuyên mục