Sau Nga, đến lượt Trung Quốc dẫn đầu đường đua vaccine Covid-19?

17/08/2020 08:51 GMT+7
Trung Quốc gần đây đã nổi lên như một trong những quốc gia đi đầu trong nghiên cứu vaccine Covid-19, làm dấy lên sự lo ngại về nguy cơ nước này sử dụng vaccine như công cụ nâng cao vị thế cường quốc và giành lợi thế trong các tranh chấp lãnh thổ.
Sau Nga, đến lượt Trung Quốc dẫn đầu đường đua vaccine Covid-19? - Ảnh 1.

Sau Nga, đến lượt Trung Quốc dẫn đầu đường đua vaccine Covid-19?

Trong số 29 loại vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng trên khắp thế giới, Trung Quốc chiếm tới 9 loại. Trong số 7 công ty đang đưa vaccine vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3, Trung Quốc có tới 5 công ty. Trong trường hợp lạc quan nhất, vaccine Covid-19 của Trung Quốc sẽ được đưa vào thử nghiệm trong vài tháng tới.

Cụ thể, các cơ quan chức năng Trung Quốc tuyên bố nước này hiện có 9 loại vaccine Covid-19 tiềm năng đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó có tới 5 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 - giai đoạn cuối cùng trước khi phê duyệt sản xuất đại trà. 

Mới đây nhất, hồi tuần trước, nhà sản xuất thuốc và vaccine CanSino Biologics của Trung Quốc đã thông báo bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3 với 5.000 tình nguyện viên. tại Saudi Arabia.

Thành tựu này được cho là kết quả của nhiều năm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm mà các chuyên gia y tế, nhà khoa học Trung Quốc theo đuổi. Nó cũng đồng thời phản ánh mối liên kết sâu sắc giữa các công ty dược phẩm sinh học và các viện nghiên cứu được hậu thuẫn bởi Bắc Kinh. 

CanSino Biologics là một công ty khởi nghiệp thuộc sở hữu tư nhân, nhưng rõ ràng nó đang tham gia các hoạt động nghiên cứu vaccine Covid-19 với sự hậu thuẫn của Nhà nước. 

Một nhà sản xuất thuốc khác của Trung Quốc, Sinopharm là doanh nghiệp công nghệ sinh học đang nắm giữ loại vaccine Covid-19 bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Hay Sinovac Biotech là một liên doanh giữa Đại học Bắc Kinh và các công ty Hồng Kông. 

Tờ Nikkei Asian Review chỉ ra tất cả các doanh nghiệp này có mối quan hệ thân cận với chính quyền Trung Ương và Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin CanSino và Sinovac đang chuẩn bị nâng công suất sản xuất vaccine hàng năm lên 100-200 triệu liều dưới sự hỗ trợ của chính phủ.

Thế mạnh của Trung Quốc là vắc xin bất hoạt, loại vaccine chế từ vi sinh vật đã bị bất hoạt hay bị giết chết nhưng vẫn giữ tính kháng nguyên. 3 trong số 5 loại vaccine đang bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3 đều thuộc loại vaccine bất hoạt này.

Vắc xin bất hoạt đã có từ rất lâu, tính hiệu quả và an toàn của chúng đã được chứng minh. Tuy nhiên, vì virus được tạo ra bằng trứng gà và tế bào động vật nên việc sản xuất vô cùng tốn kém. Các nhà sản xuất dược phẩm Châu Âu và Mỹ do đó đã gần như ngừng sử dụng phương pháp này.

Nhưng thế mạnh của Trung Quốc trong sản xuất vaccine bất hoạt và kinh nghiệm đối phó với các dịch bệnh truyền nhiễm lớn như SARS và cúm gia cầm đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu nước này đi theo hướng vaccine bất hoạt. 

Từ năm 2008 đến nay, Trung Quốc vẫn luôn dẫn đầu thế giới trong các bằng sáng chế vaccine bất hoạt, vì công nghệ bất hoạt đóng vai trò cốt lõi trong các nỗ lực phòng chống dịch bệnh của chính phủ Bắc Kinh.

Mối quan ngại đang gia tăng lúc này là hiệu quả thực sự của các loại vaccine do Trung Quốc phát triển. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cùng đang được đẩy nhanh tốc độ, nhưng cho đến nay có rất ít thông tin về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của chúng. Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời một nhà nghiên cứu Nhật Bản cho hay ngay cả khi các thử nghiệm đã hoàn tất về mặt lâm sàng, rủi ro về an toàn vẫn tồn tại.

Quan ngại tiếp theo là nguy cơ chính phủ Trung Quốc dùng vaccine Covid-19 như một công cụ ngoại giao để thúc đẩy vị thế cường quốc của mình và gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Trên toàn cầu, Nga đã bắt đầu sản xuất dòng vaccine Covid-19 mang tên Sputnik-V còn Mỹ thì đầu tư hơn 10 tỷ USD để đảm bảo sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine ngay khi thử nghiệm giai đoạn 3 hoàn tất.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục