Vắc xin Trung Quốc thâm nhập Đông Âu khi EU đuối sức trên đường đua tiêm chủng

01/04/2021 17:54 GMT+7
Liên minh châu Âu EU đang nỗ lực để đảm bảo đủ nguồn cung vắc xin Covid-19 trong khối, trong khi Trung Quốc tìm cách tăng cường tầm ảnh hưởng quốc tế thông qua chiến lược “ngoại giao vắc xin” tại các nền kinh tế mới nổi.

Mặc dù công ty dược phẩm quốc doanh Sinopharm và các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 khác của Trung Quốc chưa nộp đơn lên Cơ quan Y tế Châu Âu để được cấp phép phân phối vắc xin, nhưng tờ Nikkei Asian Review đưa tin các hãng này đang tìm cách tiến vào thị trường châu Âu. Dù vậy, nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại về sự thiếu minh bạch trong các thử nghiệm lâm sàng vắc xin của Trung Quốc.

Trung Quốc đã tham gia hội nghị thượng đỉnh 17 + 1 với các nước Trung và Đông Âu (CEEC) vào ngày 9/2 với hy vọng có được chỗ đứng trên thị trường vắc xin châu Âu. Trong bài phát biểu trực tuyến trước hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết: "Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp vắc xin cho các quốc gia có nhu cầu với khả năng tốt nhất. Chúng tôi sẽ làm những gì có thể để vắc xin Covid-19 trở thành hàng hóa toàn cầu."

Lời cam kết đó dường như đã được lòng một số nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Âu. Vào ngày 3/3, Thủ tướng Séc Andrej Babis đã yêu cầu Tổng thống Milos Zeman tiếp xúc với Chủ tịch Tập Cận Bình để bàn bạc về việc cung cấp vắc xin Sinopharm. Thủ tướng Hungary Victor Orban cũng được cho là đang tiếp xúc với các thỏa thuận mua vắc xin Covid-19 của Trung Quốc và Nga do “sự chậm trễ của EU trong phân phối vắc xin”. Budapest cũng nhập khẩu một lượng lớn vắc xin của Trung Quốc, với ít nhất 1,7 triệu người dân đã được tiêm chủng mũi đầu tiên.

Vắc xin Trung Quốc thâm nhập Đông Âu khi EU đuối sức trên đường đua tiêm chủng - Ảnh 1.

Vắc xin Trung Quốc thâm nhập Đông Âu khi EU đuối sức trên đường đua tiêm chủng

Nhưng những lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ở châu Âu thông qua việc tiếp cận vắc xin Covid-19 cũng gây ra nhiều tranh cãi. "Châu Âu sẽ không sử dụng vắc xin cho mục đích tuyên truyền… Chúng ta không nên để mình bị lừa dối bởi Trung Quốc và Nga" - trích lời ông Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU vào đầu tháng 2 qua.

Ở Phương Tây đã xuất hiện những nghi ngờ dai dẳng về mục đích địa chính trị của Trung Quốc đằng sau các lô hàng vắc xin Covid-19.

Ngày 24/3, cơ quan mua sắm vật tư y tế của Bộ Y tế Ukraine thông báo không thể tiếp nhận lô hàng vắc xin đầu tiên từ Sinovac Biotech - một nhà phát triển vắc xin Covid-19 của Trung Quốc - do nhà cung cấp không xuất trình được các giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, lô vắc xin này đã được nhập cảnh thành công. 

Trái ngược với Ukraine là trường hợp của Ba Lan. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda từng trò chuyện với người đồng cấp Trung Quốc về việc mua vắc xin Covid-19 Trung Quốc để tăng tốc độ tiêm chủng tại quốc gia này. Nhưng vài ngày sau, Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski lên tiếng khuyến nghị không sử dụng vắc xin của Sinopharm vì thiếu nền tảng dữ liệu thử nghiệm.

Các chuyên gia quan sát cũng nhìn thấy một chiến lược lớn hơn đằng sau việc xuất khẩu vắc xin của Trung Quốc. Nhà phân tích Ivana Karaskova, người sáng lập Tổ chức Quan sát Trung Quốc ở Trung và Đông Âu (CHOICE), cho biết: “Trung Quốc đang cố gắng thể hiện vị thế như một phần của giải pháp giải quyết đại dịch, chứ không phải nguồn cơn của đại dịch… Trong khi các nước phương Tây đang tích trữ vắc xin, thì Trung Quốc lại tìm cách lôi kéo các nước đang phát triển, tuyên bố rằng vắc xin là hàng hóa công cộng”.

Chẳng hạn, Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng của Serbia. Với gần 20% dân số được tiêm chủng đầy đủ, chiến dịch này được coi là một chiến thắng chính trị của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Và Serbia đã tặng lại vắc xin Covid-19 của Trung Quốc cho Bosnia, Bắc Macedonia và Republika Srpska với tư cách là một nhà tiên phong trong khu vực về vấn đề tiêm chủng và xử lý đại dịch.

Jacob Mardell, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator có trụ sở tại Đức cho biết: “Đó là một vấn đề về cung và cầu. Trong khi Pfizer và Moderna thiếu năng lực sản xuất vắc xin, các quốc gia đang phát triển sẽ chuyển hướng sang Trung Quốc - nơi có năng lực sản xuất đủ vắc xin và xuất khẩu cho các nước khác”.

Trung Quốc hiện đang sản xuất hàng loạt vắc xin Covid-19 do Sinopharm phát triển. Chủ tịch Sinopharm Yu Qingming cho hay sản lượng vắc xin năm nay dự kiến sẽ vượt quá 1 tỷ liều.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, việc triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 của Sinovac Trung Quốc được bắt đầu từ ngày 14/1. Cho đến cuối tháng 3, vắc xin Trung Quốc là lựa chọn sẵn có duy nhất ở quốc gia này. Trả lời tờ Nikkei, một công dân 77 tuổi của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay: "Nếu được lựa chọn, tôi thích vắc xin Pfizer hơn. Nhưng cơ quan quản lý dược phẩm Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận vắc xin Trung Quốc. Một thử nghiệm giai đoạn 3 dòng vắc xin này được thực hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy hiệu quả 84%."

Chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc rõ ràng đã đạt được sức hút. Bắc Kinh đã cam kết cung cấp khoảng nửa tỷ liều vắc xin cho 68 quốc gia, chủ yếu là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Đây là những nước có nguy cơ bị bỏ lại phía sau khi các quốc gia giàu có mua hầu hết các loại vắc xin đắt tiền do Pfizer và Moderna sản xuất.

Nhưng các chuyên gia cho rằng xu hướng này có thể thay đổi do Mỹ rất có thể sẽ sớm đạt đến miễn dịch bầy đàn trước Trung Quốc. Bà Krishna Udayakumar, giám đốc sáng lập của Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke tại Đại học Duke nước Mỹ cho hay: "Tình hình có thể thay đổi trong một vài tháng. Chính quyền Biden đang cố gắng thay đổi vị thế của Mỹ với sự tham gia chiến dịch tiêm chủng toàn cầu thông qua cam kết tài trợ 4 tỷ USD cho liên minh vắc xin COVAX”.



NTTD
Cùng chuyên mục