Vắc xin Covid-19 liệu có mất tác dụng với các biến chủng virus mới?
Khảo sát được thực hiện với 77 chuyên gia từ 28 quốc gia trên thế giới cho thấy có khoảng 1/3 số chuyên gia dự báo rằng chỉ mất khoảng 9 tháng hoặc ít hơn để các biến chủng virus SARS-CoV-2 vô hiệu hóa những dòng vắc xin Covid-19 hiện tại. Chỉ có chưa đầy 1/8 trong đó tin rằng các dòng vắc xin hiện tại không bao giờ mất tác dụng trước những biến chủng Covid-19 mới.
2/3 chuyên gia cho rằng nhân loại có khoảng 1 năm, thậm chí ít hơn thế, trước khi chủng virus đột biến mới vô hiệu hóa những dòng vắc xin Covid-19 thế hệ đầu tiên.
Kết quả khảo sát cũng cảnh báo với tốc độ tiêm chủng hiện tại, trong năm 2022, chỉ có khoảng 10% dân số ở đa số các nước nghèo có khả năng được tiêm chủng. Khoảng 88% số chuyên gia cho rằng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin quá thấp ở nhiều quốc gia sẽ khiến tốc độ xuất hiện các biến chủng kháng vắc xin tăng lên.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Liên minh vắc xin nhân loại, một liên minh gồm hơn 50 tổ chức bao gồm Liên minh Châu Phi, Oxfam, UNAIDS, hoạt động với sứ mệnh đem lại quyền tiếp cận vắc xin Covid-19 bình đẳng trên toàn cầu.
Một số dòng vắc xin Covid-19 hiện đã được phát triển thành công và được nhiều chính phủ cấp phép sử dụng hoặc sử dụng khẩn cấp. Chẳng hạn, vắc xin Sputnik V của Nga, 3 dòng vắc xin phổ biến ở phương Tây là Moderna, Pfizer và AstraZeneca. Trung Quốc cũng tung ra một số dòng vắc xin được cho là có hiệu quả cao của Sinopharm, SinoVac…
Tính đến thời điểm hiện tại, đại dịch đã lan rộng trên toàn thế giới với hơn 127 triệu ca nhiễm và 2,7 triệu ca tử vong. Theo dữ liệu thống kê từ Đại học Johns Hopkins, các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch là Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Pháp, Nga và Anh.
Sự lây lan của nhiều biến chủng virus có tốc độ lây nhiễm cao hơn (và trong một số trường hợp có khả năng gây tử vong cao hơn) vào nửa cuối năm 2020 đã khiến cuộc chạy đua tiêm chủng vắc xin giữa các quốc gia trở nên cấp thiết hơn.
Các hãng nghiên cứu vắc xin cũng đang nỗ lực phát triển những mũi tiêm chủng có khả năng đối phó với biến chủng virus SARS-CoV-2 hiện đang lây lan mạnh mẽ ở một số quốc gia, đặc biệt là các biến chủng có tốc độ lây lan nhanh được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil.
Vấn đề hộ chiếu vắc xin cũng đang được thảo luận tại nhiều quốc gia trên thế giới khi các chính phủ nỗ lực tăng tốc chương trình tiêm chủng vắc xin. Khái niệm này cũng được thảo luận bởi nhóm G7 bao gồm 7 nền kinh tế lớn là Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ, trong khi EU dự kiến đưa ra đề xuất phát triển một “hộ chiếu kỹ thuật số” để cung cấp thông tin tiêm chủng vắc xin Covid-19 của mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đang đặt câu hỏi về việc liệu hộ chiếu vắc xin có phù hợp trong bối cảnh nhiều quốc gia đang vật lộn để đảm bảo có đủ liều lượng vắc xin Covid-19 cho công dân. Tiến sĩ Michael Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết tại một cuộc họp ở Geneva hôm 8/3 rằng cần cân nhắc vấn đề thực tế và yếu tố đạo đức khi các quốc gia hướng tới việc sử dụng hộ chiếu vắc xin như một điều kiện nhập cảnh. Ông Ryan cho rằng kế hoạch này không công bằng đối với những công dân tại các quốc gia chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ vắc xin.