Vải chưa chín nhưng 5.000 tấn quả đã xếp chỗ trong siêu thị toàn quốc và 2.000 tấn xuất khẩu ra nước ngoài
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết năm 2021, diện tích cây vải tiếp tục giảm 1,45 nghìn ha so với năm 2020 (54,55 nghìn ha). Theo thống kê, sản xuất vải được phát triển tập trung tại các tỉnh Miền Bắc (chiếm 97,4% diện tích vải cả nước), trong đó các tỉnh chủ yếu gồm: Bắc Giang (28.100 ha), Hải Dương (9.168 ha), Quảng Ninh (1.635 ha), Hưng Yên (1.400 ha)... Tuy diện tích cây vải liên tục giảm, nhưng nhờ ứng dụng trên diện rộng tiến bộ kỹ thuật trong xử lý ra hoa, đậu quả nên năng suất tăng từ mức dưới 3 tấn/ha trước năm 2006 lên trên 5 tấn/ha những năm gần đây.
Năm 2021, dự kiến tổng sản lượng vải thu hoạch đạt khoảng 340 nghìn tấn, tăng khoảng 30 nghìn tấn so với năm 2020. Trong đó, trà vải sớm ước đạt 90 nghìn tấn (chiếm khoảng 26,5% tổng sản lượng), vải chính vụ đạt 250 nghìn tấn (73,5%).
Hiện các tỉnh sản xuất vải, nhãn chủ lực như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên đã và đang tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu vải, nhãn.
Trung Quốc đã chấp thuận thêm 11 cơ sở đóng gói mới tại tỉnh Bắc Giang. Trong đó, huyện Lục Ngạn 7, Yên Thế 4, nâng tổng số cơ sở đóng gói toàn tỉnh Bắc Giang hiện nay lên 300 cơ sở.
Cụ thể, tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục cấp mới nâng tổng diện tích mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là 219,45 ha, với 30 mã số vùng trồng, 260 hộ nông dân tham gia, sản lượng khoảng 1.860 tấn. Vừa qua, phía Nhật Bản thông báo đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam về giám sát công tác xông hơi khử trùng.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã mời gọi được 5 doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản (Chánh Thu, Ameii, Rồng Đỏ, Toàn Cầu, Bamboo ).
Đối với thị trường Mỹ, Úc, EU.., tiếp tục duy trì 18 mã số vùng trồng, diện tích 218 ha tại huyện Lục Ngạn, sản lượng 1.850 tấn. Dự kiến doanh nghiệp Chánh Thu sẽ là đơn vị xuất khẩu lô vải đầu tiên sang thị trường EU (vải sớm Tân Yên). Đến nay công tác chuẩn bị về sơ chế, đóng gói, xử lý lưu huỳnh phục vụ thị trường này được đặt tại công ty Toàn Cầu đang được các doanh nghiệp chuẩn bị.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên thông tin: cơ quan này đã đặt sản xuất trên 10 nghìn bao bì đựng và trên 200 nghìn tem truy xuất nguồn gốc hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tới đây, sẽ tổ chức Phiên chợ vải lai chín sớm năm 2021 (tại Ecopark).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, diện tích trồng vải được cấp mã số vùng trồng tại tỉnh này phục vụ xuất khẩu khoảng 10.000ha. Trong đó: 45 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ, Úc, Nhật Bản, diện tích 500ha; 9 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Thái Lan, diện tích gần 100ha; 77 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc, diện tích gần 1.000ha.
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 75 cơ sở đóng gói được cấp mã số (trong đó, 1 cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Mỹ, 1 cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Úc; 1 cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Thái Lan; 3 cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Nhật Bản và 70 cơ sở đóng gói xuất khẩu đi Trung Quốc); 4 buồng hun trùng vải xuất khẩu đi Nhật Bản (cả nước có 6 buồng hun trùng vải xuất khẩu đi Nhật Bản).
Từ đầu vụ đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã làm việc với trên 200 doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ vải trong và ngoài nước. Trong đó, một số công ty xuất khẩu đã đặt hàng thu mua trên 2.000 tấn vải để xuất khẩu đi thị trường khó tính (Mỹ, Nhật Bản, Úc, Singapore, EU, Thái Lan…). Một số tập đoàn bán lẻ cũng đã đặt hàng gần 5.000 tấn vải để bán vào hệ thống siêu thị và hệ thống cửa hàng nông sản sạch trên toàn quốc. Các đầu mối thu mua vải cũng đã lên kế hoạch thu mua trên 40.000 tấn vải để xuất khẩu đi Trung Quốc và các chợ đầu mối trên toàn quốc.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã làm việc với một số sàn giao dịch thương mại điện tử (Voso, Alibaba, Ladaza, VN Post...) để lên kế hoạch đưa vải và nông sản của tỉnh lên sàn và bán hàng ngay từ đầu vụ vải năm 2021.