Vận chuyển vaccine Covid-19: Ngành vận tải thế giới chạy đua với "sứ mệnh thời đại", doanh nghiệp Việt vẫn "lặng tiếng"
Trên thế giới hiện có hơn 170 loại vaccine Covid-19 đang được phát triển, trong đó 11 loại vaccine Covid-19 đã hoặc đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Tại Mỹ, các nhà chức trách đã chấp thuận cấp phép sử dụng vaccine Covid-19 do Pfizer kết hợp cùng BioNtech phát triển sau khi kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy dòng vaccine này có hiệu quả lên tới hơn 90%.
Trong bối cảnh làn sóng tiếp theo của dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ nói riêng và nhiều quốc gia khác trên toàn cầu nói chung trước thềm “mùa đông đen tối”, việc triển khai vaccine trên quy mô đại trà là vô cùng cần thiết để kiểm soát dịch bệnh. Nhưng công tác hậu cần, vận chuyện vaccine Covid-19 đến với người dân lại là một thách thức to lớn với các chính phủ trên toàn cầu, bao gồm cả Mỹ.
Bảo quản vaccine Covid-19 ở nhiệt độ -70 độ C
Việc vận chuyển hàng triệu liều vaccine Covid-19 đến khắp nước Mỹ trong điều kiện hậu cần khó khăn thực sự là một “thách thức thời đại” với các hãng vận tải. Dòng vaccine Covid-19 đầu tiên được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA chấp thuận đến từ Pfizer. Vaccine này cần được giữ ở nhiệt độ khoảng -70 độ C trước khi rã đông và sử dụng. Tức là các hãng vận chuyển cần lượng kho trữ đông lớn để đưa vaccine an toàn, đảm bảo đến các cơ sở y tế trên cả nước.
Việc vận chuyển vaccine Covid-19 được thực hiện đồng thời với dịp nghỉ lễ cuối năm ở Mỹ, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng vọt. UPS cho biết họ đang vận chuyển bình quân 34 triệu đơn hàng mỗi ngày, tức cao gấp gần 4 lần mức bình quân 9 triệu đơn. Nhưng cả hai hãng vận chuyển hàng đầu nước Mỹ là UPS và FedEx đều hứa hẹn với các nhà lập pháp rằng sẽ chuẩn bị sẵn sàng để đối diện với thách thức thời đại - cung cấp 660 triệu liều vaccine Covid-19 trên toàn đất nước, đảm bảo mỗi người dân được sử dụng đủ 2 liều..
“Lý do cả hai chúng tôi đứng đây và cam kết làm điều này là bởi chúng tôi là những đơn vị duy nhất có thể làm được”, Chủ tịch UPS Wesley Wheeler nhấn mạnh. Tuyên bố đến trong thời điểm nước Mỹ đang chứng kiến làn sóng dịch Covid-19 bùng phát chưa từng có, với bình quân 200.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ đầu mùa dịch đến nay.
“Một trong những thách thức lớn nhất là duy trì hệ thống bảo quản lạnh để vaccine Covid-19 không tiếp xúc với nhiệt độ ấm hơn trong suốt quá trình vận chuyển” - Thượng nghị sĩ Deb Fisher cho hay.
Trong khi vaccine Pfizer cần được giữ ở -70 độ C, vaccine Moderna cũng yêu cầu bảo quản ở mức -20 độ C. Do đó, bao bì đóng gói sẽ đóng vai trò lớn trong việc duy trì nhiệt độ lạnh cần thiết trong quá trình vận chuyển. Hiện bao bì đá khô của Pfizer giúp giữ vaccine Covid-19 của hãng ở nhiệt độ thích hợp trong tối đa 10 ngày.
Cả FedEx và UPS đều đang dự trữ lượng đá khô cần thiết và tăng số lượng tủ trữ đông trên toàn quốc. UPS thậm chí đang đầu tư vào sản xuất đá khô, dự kiến sẽ sản xuất khoảng 24.000 pound đá khô mỗi ngày ở bang Kentucky. Hãng này đặt mục tiêu vận chuyển 40 pound đá khô đến mỗi địa điểm tiêm vaccine Pfizer một ngày sau khi vaccine được chuyển đến.
Cho đến nay, ít nhất 6,4 triệu liều vaccine Covid-19 của Pfizer đã sẵn sàng để xuất xưởng và 3 triệu liều trong đó sẽ được vận chuyển trong vòng 24 giờ ngay sau khi được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Nếu vaccine Moderna sớm được cấp phép, ước tính sẽ có khoảng 20 triệu người Mỹ được sử dụng trọn vẹn 2 liều vaccine Covid-19 trong tháng 12 này.
Ngoài hệ thống giám sát riêng của Pfizer, UPS và FedEx cũng sẽ sử dụng công nghệ theo dõi riêng trên từng lô hàng để đảm bảo các lô vaccine Covid-19 được ưu tiên tối đa hoặc can thiệp kịp thời ngay khi có bất kỳ sự cố nào như thời tiết hay giao thông. Các phi công và lái xe trực tiếp sẽ được cho biết họ đang chuyên chở vaccine Covid-19. Trong một số trường hợp, các phương tiện này sẽ được hộ tống nếu cần. Nếu vaccine được vận chuyển theo đường hàng không, UPS và FedEx sẽ có thông báo đến Cục hàng không Liên bang FAA về danh sách và lịch trình chuyến bay để được cấp phép ưu tiên.
Mở riêng cơ sở mới được thiết kế đặc biệt để bảo quản vaccine Covid-19
Ngay từ hồi tháng 9, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đã thúc giục các chính phủ lên kế hoạch vận chuyển vaccine Covid-19 để có đủ năng lực vận tải và phân phối vaccine sớm nhất.
“Việc vận chuyển vaccine Covid-19 một cách an toàn đến người dân các nước sẽ là sứ mệnh thế kỷ đối với ngành vận tải hàng không toàn cầu. Nhưng nó sẽ không thành công nếu không có kế hoạch cẩn trọng… Chúng tôi kêu gọi các chính phủ tiên phong trong việc tạo điều kiện hợp tác chặt chẽ giữa các chuỗi hậu cần, dàn xếp an ninh và mở cửa biên giới, sẵn sàng cho nhiệm vụ khổng lồ phía trước”, trích lời ông Alexandre de Juniac, Tổng giám đốc IATA.
Một báo cáo của IATA chỉ ra rằng trong trường hợp mỗi người dân trên toàn cầu chỉ cần duy nhất 1 liều vaccine Covid-19, số vaccine đó sẽ lấp đầy 8.000 máy bay chở hàng của Boeing. Còn công ty vận tải hậu cần toàn cầu DHL thì ước tính thế giới cần 200.000 pallet hàng và 15.000 chuyến bay để vận chuyển vaccine trong hai năm tiếp theo.
Nhưng trong bối cảnh nhiều hãng hàng không cắt giảm quy mô và chuyến bay, thậm chí ngừng toàn bộ đội bay kể từ khi đại dịch bùng phát; các tổ chức quốc tế như mạng lưới liên minh vaccine Gavi đã phải vật lộn để đảm bảo chuỗi hậu cần cung cấp vaccine. Các chính phủ cũng cần hành động để nâng cao năng lực tiếp nhận vaccine, trong đó bao gồm mở cửa biên giới hàng không, miễn trừ hạn chế kiểm dịch cho nhân viên hàng không…
Đó là chưa kể không phải sân bay nào cũng đủ điều kiện để tiếp nhận vaccine trong điều kiện bảo quản khó khăn như vậy. Nhà điều hành sân bay Fraport (điều hành Sân bay Quốc tế Frankfurt - Đức) đang chuẩn bị một khu vực riêng rộng 6.500m2 cho dịch vụ hậu cần tiếp nhận vaccine. Lufthansa Cargo đã mở các trung tâm bảo quản dược phẩm chuyên dụng ở Munich và Chicago, trong khi Air France-KLM đầu tư vào cơ sở hạ tầng kiểm soát nhiệt độ hậu cần ở sân bay Paris và Amsterdam.
Tại Anh, Công ty vận chuyển dược phẩm Yusen Logistics mở riêng một cơ sở mới ở Sunderland được thiết kế đặc biệt để tiếp nhận và bảo quản vaccine Covid-19. Một công ty hậu cần khác là Kuehne + Nagel cũng mở hai trung tâm phân phối dược phẩm mới ở Brussels và Johannesburg nhằm tạo điều kiện bảo quản vaccine ở các mức nhiệt độ cần thiết khác nhau.
Nhưng ông Yngve Ruud, giám sát hậu cần hàng không tại Kuehne + Nagel cảnh báo những năng lực và phương tiện hậu cần như vậy không dễ dàng áp dụng phổ biến trên toàn cầu, nhất là tại các quốc gia nghèo, quốc gia đang phát triển.
Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đang ráo riết chuẩn bị cho "sứ mệnh thời đại", thì đến thời điểm này vẫn chưa có một doanh nghiệp Việt Nam nào lên tiếng về việc gia nhập cuộc chạy đua này.