Hoài nghi chồng chất hoài nghi xoay quanh vaccine Covid-19 của Trung Quốc

07/12/2020 10:06 GMT+7
Một cựu quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ mới đây cáo buộc nhiều quốc gia lớn trong đó có Trung Quốc đang cố tình đánh cắp thông tin liên quan đến vaccine Covid-19 của Mỹ.

Cựu quan chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc nỗ lực đánh cắp thông tin vaccine Covid-19

Trả lời tờ CBS News, ông Chris Krebs, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng trực thuộc Bộ An ninh Nội địa CISA hôm 6/12 khẳng định: “Chúng tôi thấy rằng bốn quốc gia là Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đã tham gia ở một mức độ nào đó vào hành vi gián điệp trong nỗ lực đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ liên quan đến vaccine Covid-19”.

“Những gì mà chúng tôi cố gắng bảo vệ ở CISA không chỉ là các nhà phát triển vaccine Covid-19 mà còn là toàn bộ chuỗi cung ứng quan trọng liên quan, các kênh phân phối, các tổ chức y tế công cộng… Đó là những đối tượng mà chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ an ninh mạng, cả từ phía các tổ chức an ninh quốc gia và khu vực tư nhân” - ông Krebs nói thêm.

Hoài nghi chồng chất hoài nghi xoay quanh vaccine Covid-19 của Trung Quốc - Ảnh 1.

Chris Krebs, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng trực thuộc Bộ An ninh Nội địa CISA

Tuần trước, IBM đã công bố một báo cáo cho thấy một chiến dịch hack trên toàn cầu nhằm vào các chuỗi làm lạnh vaccine Covid-19, một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng bảo quản và vận chuyển vaccine. CISA hiện đang khuyến khích các tổ chức liên kết với Operation Warp Speed - sáng kiến thần tốc phát triển vaccine của Mỹ - xem xét báo cáo của IBM để xem liệu họ có đang bị đe dọa hay xâm phạm bởi rủi ro gián điệp nào không.

Ông Chris Krebs là cựu lãnh đạo của CISA, chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh mạng trong bầu cử Mỹ. Ông bị Tổng thống Donald Trump sa thải hồi tháng trước do “đưa ra tuyên bố rất không chính xác” về an ninh trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Trước đó, ông Krebs khẳng định không có bằng chứng cho thấy bầu cử Mỹ bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của nước ngoài. “Đã đến lúc các nhà lãnh đạo trong cộng đồng an ninh quốc gia cũng như Đảng Cộng hòa phải chấp nhận kết quả (bầu cử Mỹ) và tiến về phía trước”. Tuyên bố này đi ngược hoàn toàn với luận điệu của Tổng thống Trump, người vẫn đang theo đuổi cuộc chiến pháp lý do nghi ngờ gian lận bầu cử.

Vaccine Covid-19 của Trung Quốc đối diện nhiều hoài nghi

Trung Quốc từng dẫn đầu cuộc chạy đua toàn cầu trong phát triển vaccine Covid-19 khi thúc đẩy tiêm vaccine cho người dân từ rất sớm. Nhưng tháng trước, hàng loạt công ty dược phẩm Mỹ và EU đã hoàn tất quá trình thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối. Kết quả sơ bộ cho thấy mức độ hiệu quả của hai dòng vaccine Covid-19 của Mỹ do Pfizer và Moderna phát triển lên tới hơn 90%. Còn dòng vaccine Covid-19 do AstraZeneca (Anh) phối hợp cùng Đại học Oxford nghiên cứu có mức độ hiệu quả tổng thể là hơn 70%. Cả 3 dòng vaccine đều được phát triển bằng những công nghệ tiên tiến nhất.

Hoài nghi chồng chất hoài nghi xoay quanh vaccine Covid-19 của Trung Quốc - Ảnh 3.

Nghiên cứu được công bố hôm 17/11 của Tạp chí Y khoa The Lancet (Anh) chỉ ra rằng mức độ hiệu quả của vaccine Sinovac (Trung Quốc) chỉ ở mức trung bình

Trái ngược với những kết quả tích cực này, hiệu quả của vaccine Covid-19 do Trung Quốc phát triển lại là dấu hỏi lớn. Nghiên cứu được công bố hôm 17/11 của Tạp chí Y khoa The Lancet (Anh) về hiệu quả vaccine Covid-19 được phát triển bởi Sinovac Biotech (Trung Quốc) cho thấy dòng vaccine này tạo ra kháng thể bảo vệ thấp hơn lượng kháng thể có ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã hồi phục. Tức là mức độ hiệu quả của vaccine Sinovac chỉ ở mức trung bình. Sinovac sử dụng phương pháp phát triển vaccine truyền thống là virus bất hoạt, không giống với phương pháp mRNA của Moderna và Pfizer.

Bất chấp những ngờ vực, Sinovac hiện đang tìm kiếm khoản tài trợ 515 triệu USD từ một công ty địa phương để tăng gấp đôi năng lực sản xuất vaccine Covid-19 trong thời gian tới. Công ty TNHH Dược sinh học Trung Quốc xác nhận một chi nhánh của nó sẽ đầu tư 515 triệu USD vào Sinovac Life Sciences, công ty con của Sinovac để phát triển quy mô sản xuất vaccine có tên CoronaVac. Sinovac từng tuyên bố có thể sản xuất 300 triệu liều vaccine Covid-19 hàng năm và đang đặt mục tiêu xây dựng cơ sở sản xuất thứ hai vào cuối năm 2020 để nâng công suất sản xuất hàng năm lên gấp đôi, khoảng 600 triệu liều.

Hiện Sinovac đã đạt được hàng loạt hợp đồng cung cấp vaccine CoronaVac với nhiều quốc gia trên thế giới như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Chile. Hãng cũng đang trong giai đoạn đàm phán với chính phủ Philippines.

CoronaVac là một trong ba loại vaccine Covid-19 thử nghiệm mà Trung Quốc đã sử dụng trong chương trình tiêm chủng khẩn cấp trên khoảng 1 triệu người dân.


NTTD
Cùng chuyên mục