Vận tải Biển Việt Nam (VOS): Ghi nhận lãi ròng hơn 490 tỷ đồng vẫn không thể xóa lỗ lũy kế

26/01/2022 09:08 GMT+7
Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam (mã: VOS) ghi nhận lãi ròng hơn 490 tỷ đồng trong khi cùng kỳ thua lỗ 186 tỷ đồng, nhờ đó, VOS giảm lỗ từ mức hơn 909 tỷ đồng hồi đầu năm về mức lỗ gần 421 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính của Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam (mã: VOS) cho thấy, quý 4 và cả năm 2021, tình hình hoạt động kinh doanh khả quan hơn so với cùng kỳ. Trong quý 4/2021, VOS ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 460 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ 2020.

Cũng nhờ việc kinh doanh vận tải ổn định hơn đã giúp cho VOS có giá vốn giảm 10% giúp lãi gộp đạt hơn 176 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gộp hơn 5 tỷ đồng).

Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng hàng đồng loạt tăng. Ngược lại, chi phí quản lý tài chính giảm 24%, xuống còn 21 tỷ đồng do chi phí lãi vay. Quý 4, VOS lãi đạt gần 82 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 47 tỷ đồng.

Vận tải Biển Việt Nam (mã: VOS) tiếp tục lỗ gần 421 tỷ đồng - Ảnh 1.

Việc kinh doanh vận tải của VOS đang dần ổn định hơn. Ảnh: VOS

Kết thúc năm 2021, VOS ghi nhận doanh thu thuần tăng 11% so với năm trước, lên gần 1.424 tỷ đồng và lãi ròng hơn 490 tỷ đồng (năm 2020 lỗ gần 186 tỷ đồng). Nhờ đó, lỗ lũy kế của VOS tính đến cuối tháng 12 đã được cải thiện từ lỗ hơn 909 tỷ đồng hồi đầu năm về mức lỗ 421 tỷ đồng.

Năm 2021, VOS đặt mục tiêu đạt được 1.227 tỷ đồng tổng doanh thu (giảm 10%) và 30 tỷ đồng lãi trước thuế (năm 2020 âm 187 tỷ đồng). Ngoài ra, VOS cũng đặt mục tiêu sản lượng vận chuyển đạt 5 triệu tấn trong năm 2021 (giảm 25%).

Tại thời điểm 31/3/2021, VOS sở hữu 2.738 tỷ đồng tổng tài sản, chủ yếu là tài sản dài hạn, chiếm 68%. Đầu tư tài chính ngắn hạn gồm tiền gửi có kỳ hạn, trái phiếu tăng 36% so với đầu năm lên gần 118 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng 75% lên xấp xỉ 93 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả cuối kỳ của VOS kaf 2.249 tỷ đồng. Trong đó, tổng vay và nợ thuê tài chính ngắn - dài hạn giảm 103 tỷ đồng so với đầu năm xuống 1.225 tỷ đồng. VOS đang trong tình trạng mất cân đối tài chính khi tài sản ngắn hạn (868 tỷ đồng) thấp hơn so với khoản nợ phải trả ngắn hạn (963 tỷ đồng).

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo về việc cổ phiếu của VOS bị đưa vào diện kiểm soát và hạn chế thời gian giao dịch từ ngày 13/4. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2019 là âm 734 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 là âm 187 tỷ đồng.



Thế Anh
Cùng chuyên mục