VEAM chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 49,9%

26/06/2021 10:28 GMT+7
Lần đầu tiên Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM mã VEA) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến và bỏ phiếu điện tử, sự kiện được diễn ra vào ngày 25/6 vừa qua tại Hà Nội.

Đại hội đã thông qua Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 202; Báo cáo kết quả của Hội đồng quản trị tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2021; Báo cáo hoạt động của Ban kiểm soát tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021; Báo cáo tài chính năm 2020 đã dược kiểm toán; Phân phối lợi nhuận năm 2020, trích lập và sử dụng các quỹ, mức cổ tức…

VEAM chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 49,9% - Ảnh 1.

Báo cáo tại Đại hội cổ đông, ông Phan Phạm Hà - Tổng giám đốc VEAM - cho biết: Năm 2020, VEAM ghi nhận doanh thu thuần giảm 18% về 3.667 tỷ đồng, khoản lãi từ liên doanh liên kết giảm 28% về 5.124 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ theo đó giảm 23% xuống 5.552 tỷ đồng. Doanh thu tài chính đạt 976,7 tỷ đồng tăng 8% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 5.594 tỷ đồng bằng 76% so với năm 2019. Tuy nhiên cả doanh thu tài chính và lợi nhuận sau thế vẫn vượt kế hoạch năm được Đại hội cổ đông thông qua ngày 30/6/2020.

Với kết quả đó, VEAM dự kiến chi 6.631 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông đạt 4.990 đồng/cổ phiếu bằng tiền mặt. Với vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức của VEAM đạt 49,9%. Dự kiến cổ tức sẽ được chia trong quý 3/2021. Trước đó VEAM đã thanh toán khoảng 6.980 tỷ đồng cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 52,529%.

Cũng theo ông Phan Phạm Hà, năm 2021, VEAM đặt kế hoạch kinh với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ là 1.116,1 tỷ đồng, tăng 151% so với mức thực hiện năm 2020. Trong đó, doanh thu từ sản xuất công nghiệp dự kiến đạt 573,2 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động thương mại và dịch vụ dự kiến đạt 532,9 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ kỳ vọng thu về 5.930 tỷ đồng, giảm 19% so với mức thực hiện năm 2020 bất chấp doanh thu dự kiến tăng mạnh. Khoản lợi nhuận mục tiêu này của VEAM chưa tính trích lập dự phòng khoản phải thu là các khoản VEAM đã hỗ trợ tài chính (cho vay) đối với các đơn vị có vốn góp của công ty.

Về các chỉ tiêu của công ty con, các đơn vị có tỷ trọng lớn về doanh thu như DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO dự kiến tiếp tục tăng trưởng và đóng góp chính cho mục tiêu chung, trong khi đó các đơn vị thương mại như Matexim, Vetranco dù đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và đảm bảo không lỗ nhưng dự kiến gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn hoạt động.

Theo kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp, VEAM dự kiến thoái vốn ở một số đơn vị hoạt động không hiệu quả và không đóng góp nhiều vào định hướng phát triển của VEAM trong tương lai như Matexim HN, Nakyco, Cơ khí Vinh, Vetranco… Ngoài ra, VEAM cũng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo cổ phần hóa để hoàn chỉnh hồ sơ thực hiện bàn giao cổ phần hóa, có kế hoạch triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2021.

Báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch HĐQT VEAM - cho biết: Năm 2020, VEAM chưa thực hiện niêm yết cổ phiếu Sở Giao dịch chứng khoán do Báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2020 của VEAM còn tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Do vậy, chưa đủ điều kiện niêm yết theo quy định mục b khoản 3, Điều 3, Thông tư 202/2015/TT-BCT ngày 18/12/2015 của Bộ Tài chính.

Do vậy, tại đại hội lần này, VEAM tiếp tục trình đại hội phương án niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX hoặc HoSE và đề xuất ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục liên quan khi đủ điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật.

Cổ phiếu VEA của VEAM chính thức giao dịch tại hệ thống UPCoM từ ngày 2/7/2018 với giá tham chiếu là 27.600 đồng/cổ phiếu. Thị giá của VEA hiện đã tăng gấp hơn 1,75 lần lên 48.900 đồng/cổ phiếu (giá mở cửa phiên 25/6/2021). Giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 61.000 tỷ đồng.

Thu Hường
Cùng chuyên mục