Vì đâu S&P 500 đảo chiều tăng 25% trong 3 tuần bất chấp đại dịch Covid-19?

12/04/2020 14:36 GMT+7
Thị trường chứng khoán Mỹ đã nhanh chóng lao dốc, bước vào lãnh thổ thị trường gấu sau khi nước Mỹ biến thành ổ dịch Covid-19 mới của thế giới, nền kinh tế Mỹ có nguy cơ tiến gần bờ vực suy thoái.
Vì đâu S&P 500 đảo chiều tăng 25% trong 3 tuần bất chấp đại dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ trên đường dò đáy

Nhưng chỉ trong 3 tuần, kể từ mức thấp hôm 23/3 đến phiên giao dịch tăng mạnh hôm 9/4, S&P 500 đã hồi phục tới 25%. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones cũng tăng vọt hơn 28% so với mức đáy hồi cuối tháng 3 còn Nasdaq Composite leo dốc 19,1%.

Chỉ tính trong tuần qua, Dow Jones chứng kiến mức tăng tuần 12%, một trong bảy tuần tốt nhất lịch sử chứng khoán Mỹ. S&P 500 cũng có mức tăng tuần tốt nhất kể từ năm 1974 đến nay. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ đã được trấn an bởi 3 yếu tố cơ bản: triển vọng tươi sáng hơn về tình hình dịch Covid-19, các gói kích thích tài chính - tiền tệ khổng lồ từ chính phủ và kỳ vọng ổn định giá dầu.

Triển vọng lạc quan về đại dịch Covid-19

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia hôm 9/4 công bố dự báo mới về số ca tử vong do virus corona tại Mỹ là khoảng 60.000 người. Mức này thấp hơn rất nhiều ước tính ban đầu của các quan chức y tế chính quyền Trump bao gồm Fauci, rằng có tới 100.000-240.000 người Mỹ có nguy cơ tử vong vì dịch bệnh. Ông Fauci cũng cho biết thêm các thí nghiệm kháng thể và vaccine chống virus corona đang được tích cực nghiên cứu và sẽ sớm đưa vào sử dụng.

Những dữ liệu ca nhiễm mới virus corona trên toàn thế giới cũng đang cho thấy sự chậm lại. Dữ liệu từ đại học Johns Hopkins cho thấy các ca nhiễm mới Covid-19 được ghi nhận mỗi ngày trên toàn cầu đã giảm từ mức hơn 100.000 ca từ đầu tháng xuống khoảng 73.000-85.000 ca trong tuần này.

Tại Mỹ, các trường hợp nhập viện ở tiểu bang New York - tâm chấn dịch Covid-19 với khoảng 180.000 ca nhiễm Covid-19 được báo cáo đến nay - đã có dấu hiệu giảm. Mike Katz, nhà phân tích tại Seven Points Capital nhận định: “Các ca nhiễm virus mới đang bắt đầu chậm lại và thị trường lạc quan về điều đó. Câu hỏi đặt ra hiện tại là làm thế nào để nhanh chóng đưa người lao động trở lại (trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế)”.

Các gói kích thích khổng lồ từ Chính phủ

Vì đâu S&P 500 đảo chiều tăng 25% trong 3 tuần bất chấp đại dịch Covid-19? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump hôm 27/3 phê duyệt gói cứu trợ kinh tế hơn 2 nghìn tỷ USD

Thị trường cổ phiếu cũng được thúc đẩy khi Chính phủ Mỹ phê duyệt  hàng loạt gói cứu trợ, trong đó có gói kích thích khổng lồ hơn 2 nghìn tỷ USD để xoa dịu tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19. Gói này bao gồm các khoản thanh toán tiền mặt hoặc séc trực tiếp cho công dân Mỹ với trị giá lên tới 1.200 USD/ người; cũng như khoản vay trợ cấp cho doanh nghiệp để ngăn chặn tình trạng sa thải người lao động.

Không nằm ngoài những nỗ lực hồi sinh nền kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hôm 9/4 cũng công bố hàng loạt chương trình hỗ trợ kinh tế với tổng trị giá lên tới 2,3 nghìn tỷ USD. Trong đó bao gồm các khoản vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoản mua lại trái phiếu của chính quyền các bang, hạt, thành phố đông dân chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của dịch Covid-19 nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng dịch bệnh…. Trong tháng 3, FED đã đưa lãi suất cơ bản xuống mức 0 kèm chương trình nới lỏng định lượng QE với trị giá lên tới 700 tỷ USD.

Triển vọng ổn định giá dầu

Những nỗ lực ổn định giá dầu được thúc đẩy bởi Tổng thống Donald Trump và thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 10 triệu thùng của OPEC+ hôm 9/4 cũng mở ra tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư; khi mối quan ngại làn sóng vỡ nợ trong ngành năng lượng giảm đi đáng kể.

Cuộc họp của các quan chức G20 mới đây cũng chỉ ra sự cần thiết ổn định giá dầu và thị trường dầu, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tấn công nhu cầu dầu toàn thế giới.

Hợp đồng tương lai dầu WTI ngọt nhẹ đã tăng gần 25% kể từ khi thủng ngưỡng 20 USD/ thùng vào cuối tháng 3. Dù vậy, từ đầu năm đến nay, giá dầu vẫn giảm hơn 60%.

Các cổ phiếu phục hồi

Vì đâu S&P 500 đảo chiều tăng 25% trong 3 tuần bất chấp đại dịch Covid-19? - Ảnh 3.

Dow Jones chứng kiến mức tăng tuần tốt bậc nhất lịch sử trong tuần qua (cột vàng)

Cổ phiếu năng lượng, sòng bạc và nghỉ dưỡng là những lĩnh vực phục hồi tốt nhất sau khi chứng khoán Mỹ chạm đáy hồi tháng 3. 

Cổ phiếu MGM Resorts tăng 59% kể từ 23/3 đến nay trong khi cổ phiếu Wynn Resorts leo dốc hơn 22%.

Cổ phiếu lĩnh vực năng lượng của S&P 500 vốn đã giảm sâu sau khi Nga - Saudi Arabia châm ngòi chiến tranh giá dầu, giờ đây cũng phục hồi trở lại hơn 43%.

Cổ phiếu hàng loạt công ty như Apache, Diamondback Energy và Occidental Petroleum dẫn đầu mức tăng trong ngành năng lượng: Apache tăng hơn 90% kể từ ngày 23/3 trong khi cổ phiếu Diamondback Energy tăng 71,1% còn Occidental Petroleum tăng 58,5% trong cùng khoảng thời gian.

Lĩnh vực ngân hàng cũng nằm trong số các cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất gần đây. Chẳng hạn, cổ phiếu Bank of America tăng 37,5% kể từ cuối tháng 3 trong khi cổ phiếu JPMorgan Chase tăng 30%. Cổ phiếu Citigroup và Wells Fargo tăng lần lượt 34% và 31,5% trong cùng khoảng thời gian. Bình quân lĩnh vực ngân hàng của S&P 500 tăng 33%.

Nhà đầu tư nên thận trọng

Những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Mỹ phản ánh sự lạc quan của tâm lý nhà đầu tư về triển vọng kinh tế trong tương lai. Nhưng bức tranh tổng thể nhìn chung vẫn ảm đạm và số liệu GDP chắc chắn sẽ không thoát khỏi mức giảm tồi tệ.

Mỹ đã mất hơn 16 triệu việc làm trong 3 tuần qua tính đến ngày 4/4, theo dữ liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Bộ Lao động. Con số này chiếm tới 10% tổng lực lượng lao động của Mỹ. 

Vì đâu S&P 500 đảo chiều tăng 25% trong 3 tuần bất chấp đại dịch Covid-19? - Ảnh 4.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng dựng đứng trong 3 tuần qua

Hàng loạt doanh nghiệp hạ dự báo lợi nhuận trong các quý tiếp theo do ảnh hưởng của sự bùng phát dịch Covid-19. Một số doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận giảm ngay trong quý tài chính vừa qua do hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề tại thị trường Trung Quốc - nơi dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên.

Nhìn chung, tâm lý thận trọng lúc này là cần thiết bởi theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích, nền kinh tế Mỹ thực chất đã bước vào suy thoái.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục