Vi phạm Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 4): Để xảy ra vi phạm có thể bị xử lý hình sự

Nhóm PV Thứ sáu, ngày 17/12/2021 10:42 AM (GMT+7)
Theo luật sư, đối với các thông tin về quy hoạch sử dụng đất theo quy định phải công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan chức năng, niêm yết ở trụ sở ủy ban nhân dân sở tại. Trường hợp cán bộ vi phạm, tùy vào mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, dù đã có Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Đáy. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại một số công trình nhà ở, nhà xưởng nằm trên hành lang thoát lũ sông Đáy, vi phạm quy định Luật đê điều 2006.

Công trình vi phạm buộc phải tháo dỡ

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, sai quy hoạch, xây dựng trái phép trên hành lang thoát lũ là các hành vi vi phạm quy định về đất đai, xây dựng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét, đánh giá từng trường hợp cụ thể, từng công trình xây dựng cụ thể.

Bởi vì có thể có những công trình xây dựng trước thời điểm có quy hoạch thì những công trình đó không được xác định là vi phạm, mặc dù hiện nay công trình đó tồn tại không phù hợp với quy hoạch. Trong những trường hợp này, Nhà nước phải có kế hoạch giải tỏa và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Còn đối với những trường hợp đã có quy hoạch là khu vực hành lang thoát lũ, quy hoạch đó đã được công khai mà người dân cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình vi phạm để trả lại mặt bằng đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Vi phạm Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 4): Cán bộ vi phạm có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 1.

Hàng loạt nhà xưởng xây dựng ngay cửa thoát nước trạm bơm tiêu Yên Nghĩa thuộc địa phận xóm 3, xóm 4, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Quang Minh

Những hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Theo đó, hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, công trình bảo vệ quốc phòng an ninh, hành lang an toàn thông, hoặc cố tình thi công xây dựng ở nơi đã được cảnh báo về nguy cơ sạt lở, lũ quét sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Người dân phản ánh việc mua đất xong nhưng khi đi xin cấp phép xây dựng họ mới "ngã ngửa" biết được thông tin mảnh đất của họ nằm trong hành lang thoát lũ. Theo luật sư Cường, đây là hậu quả của việc "mập mờ" thông tin quy hoạch, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý về đất đai, xây dựng và thiếu kinh nghiệm trong việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 

Đối với các thông tin về quy hoạch sử dụng đất theo quy định phải công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan chức năng, niêm yết ở trụ sở ủy ban nhân dân sở tại.

"Tuy nhiên, trên thực tế quy định này không được tôn trọng dẫn đến việc tổ chức cá nhân muốn tìm hiểu thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương, các bản đồ quy hoạch thường rất khó khăn. 

Thậm chí, cán bộ quản lý đất đai, xây dựng còn không nắm vững quy hoạch. Chuyện này đã xảy ra ở nhiều địa phương dẫn đến việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý", luật sư Cường nói.

Cán bộ vi phạm có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự

Luật sư Cường cho hay, theo quy định của luật đất đai, Luật quy hoạch, Luật xây dựng, Luật đầu tư, Luật kinh doanh bất động sản thì chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý về đất đai, xây dựng có trách nhiệm phải tổ chức thực hiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Phải có trách nhiệm quản lý về đất đai xây dựng trên địa bàn.

Trường hợp cán bộ không nắm được quy hoạch, vi phạm về quản lý đất đai, tùy vào tính chất mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự 2015.

Ngoài ra, Điều của 37 Luật đất đai 2013 cũng quy định liên quan đến quy hoạch về công bố, công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện như sau: Việc công bố công khai được thực hiện chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và việc công khai được thực hiện trong suốt thời kỳ quy hoạch sử dụng đất.

Vi phạm Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 4): Cán bộ vi phạm có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện; công bố công khai nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có liên quan đến xã, phường, thị trấn tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã…

Như vậy, khi có vi phạm quy định về cấp phép, quản lý về đất đai, xây dựng trên địa bàn cần phải xem xét trách nhiệm của cán bộ có liên quan trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tuân thủ các quy định về quản lý xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn. Nếu có vi phạm cần phải xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) cho hay, đối với các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng đất đai, vi phạm về trật tự xây dựng cơ quan chức năng có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp tồn tại các hành vi vi phạm phải xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý và trách nhiệm của người vi phạm.

Nếu cơ quan chức năng phát hiện có tiếp tay, dung túng cho hành vi phạm cần phải xem xét xử lý nghiêm minh, trong đó có thể xử lý bằng các chế tài hình sự về các tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, quản lý đất đai. Hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, tội nhận hối lộ...

Còn đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng sẽ bị xử phạt hành chính và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Trong trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính vẫn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình vi phạm. Thậm chí, các hành vi vi phạm về sử dụng đất đai, hủy hoại đất có thể còn bị thu hồi đất. Đối với các trường hợp lấn chiếm hành lang giao thông, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn có thể bị cưỡng chế tháo dỡ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem