Dân lo sợ lây Covid-19, không lô cá hồi Châu Âu nào vào được thị trường Trung Quốc
Mới đây, Bắc Kinh đã tạm dừng nhập khẩu cá hồi Châu Âu do quan ngại đây có thể là nguồn gốc gây ra một đợt bùng phát Covid-19 mới tại Bắc Kinh. Các lô hàng đã bị đóng băng sau khi virus SARS-CoV-2 được phát hiện trên một chiếc thớt sử dụng để chế biến cá hồi nhập khẩu tại chợ Xinfadi, nơi bùng phát ổ dịch mới với 176 ca dương tính trong tuần qua.
Trong khi phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu tuyên bố không có lệnh cấm hay hạn chế nhập khẩu chính thức nào được ban hành, nhưng các thương nhân hiện đã ngừng nhập khẩu tất cả các sản phẩm thịt tươi sống do làn sóng quan ngại. "Không có lô hàng cá hồi nào vào được thị trường Trung Quốc" - trích lời ông Regin Jacobsen, CEO nhà xuất khẩu cá hồi Bakkafrost, Oslo (Na Uy).
“Chúng tôi cho rằng tình hình hiện tại đang gây ra hàng loạt tác động đến công tác xuất khẩu cá hồi tươi vào thị trường (Trung Quốc)”, theo Giám đốc Hội đồng Thủy sản Na-Uy Victoria Braathen. “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến. Cơ quan an toàn thực phẩm Na-Uy đã chứng minh dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến độ an toàn của hải sản. Cho đến nay, không có trường hợp nhiễm Covid-19 nào thông qua nguồn thực phẩm hoặc nước nhiễm virus được xác nhận.”
Shi Guoqing, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc hôm 16/6 khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy cá hồi nhập khẩu là vật chủ hoặc vật trung gian truyền virus corona. “Virus không được phát hiện trên cá trước khi tiến vào ổ dịch là chợ Xinfadi”.
Chuyên gia Trung Quốc Wu Zunyou cũng chỉ ra rằng "không thể kết luận cá hồi là nguồn lây nhiễm chỉ vì virus SARS-CoV-2 được phát hiện trên thớt của người bán cá", đồng thời giải thích thêm rằng thớt có thể bị nhiễm virus bởi người bán hoặc khách mua cá bị nhiễm bệnh, hoặc thậm chí là các sản phẩm khác mang virus.
Tuy nhiên, hàng loạt sản phẩm cá hồi, thịt và hải sản nhập khẩu khác hiện đã bị loại bỏ khỏi kệ hàng các siêu thị lớn trên khắp Trung Quốc. Các nhà chức trách nước này cũng đang tăng cường kiểm tra thịt và hải sản nhập khẩu để xem liệu có mẫu vật nào nhiễm virus hay không. Chính quyền các thành phố Bắc Kinh, Thiên Tân, Quảng Đông, Hà Nam và Cam Túc tuyên bố đã xét nghiệm hơn 2.000 mẫu thực phẩm nhập khẩu kể từ khi ổ dịch Covid-19 không rõ nguồn gốc bùng phát tại chợ buôn Xinfadi hồi tuần trước.
Tờ SCMP chỉ ra rằng các sản phẩm nhập khẩu đông lạnh thường được vận chuyển đến Trung Quốc bằng đường biển trong khoảng thời gian 6 tuần, do đó tác động từ ổ dịch Covid-19 mới tại Bắc Kinh đến thị trường thực phẩm có thể chưa rõ ràng ngay lập tức.
Nhiều nhà quan sát Châu Âu lo ngại tin tức về virus có thể biến thành một cuộc hoảng loạn rằng Châu Âu chính là nguồn gốc gây ra ổ dịch Covid-19 mới hoặc các sản phẩm nhập khẩu từ Châu Âu bị dính virus SARS-CoV-2. Trong trường hợp như vậy, tác động với các mặt hàng đông lạnh nhập khẩu sẽ là vô cùng to lớn, nguồn tin của SCMP nhận định.
Rosa Wang, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu JCI Trung Quốc nhận định: “Tâm lý của người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng và không ai muốn mua cá hồi lúc này”, ngay cả khi không có bằng chứng nào chỉ ra cá hồi là vật chủ hay vật trung gian lây bệnh. “Có thể người ta cuối cùng sẽ chứng minh được rằng cá hồi không mang virus SARS-CoV-2, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để người dân Trung Quốc tiếp tục mua nó”. Do đó, bất kể chính phủ Bắc Kinh có cấm nhập khẩu cá hồi hay không, việc tiêu thụ cá hồi chắc chắn sẽ giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc, ông Wang cho hay.
Cổ phiếu các nhà xuất khẩu cá hồi Na Uy đã lao dốc mạnh mẽ sau thông tin về vụ việc virus SARS-CoV-2 xuất hiện trên thớt chế biến cá hồi ở chợ Xinfadi, Trung Quốc. Cổ phiếu hãng cá hồi Salmar đã giảm 5,2%, Grieg Seafood giảm 3,7%, Royal Salmon giảm 5,7% còn Mowi tụt 5,3% và Bakkafrost bốc hơi 7,9%.